TP.HCM đảm bảo đủ phương tiện để người dân về quê ăn Tết an toàn

TP.HCM đảm bảo đủ phương tiện để người dân về quê ăn Tết an toàn

(PLO)- Năm nay, người dân rời TP.HCM về quê ăn Tết Nguyên đán khá sớm, các bến xe và sân bay đều nhộn nhịp người dân đi lại.

Ngày 23 tháng Chạp, tại các bến xe, Ga Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) nhộn nhịp người dân về quê ăn Tết sớm. Các bến xe, nhà ga và sân bay đã lên các phương án đảm bảo đủ phương tiện phục vụ người dân về quê ăn Tết yên vui, an toàn.

Hàng chục ngàn lượt khách qua các bến xe

Tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới, TP Thủ Đức, lượng khách về quê sớm bắt đầu tăng mạnh từ tối 1-2 (22 tháng Chạp) với khoảng 8.000 lượt, những ngày trước đó lượng khách chỉ khoảng 3.000-4.000 lượt.

Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó ban BXMĐ mới, cho biết từ ngày 1-2, người dân bắt đầu về quê ăn Tết qua bến xe, do vậy bến xe đã lên các phương án đảm bảo phục vụ hành khách đi lại trong thời gian cao điểm này. “Bến xe đã sắp xếp tài chuyến, điều động phương tiện vận chuyển hành khách hợp lý để nhanh chóng giải tỏa hành khách. Đồng thời theo dõi tình hình lưu lượng khách, phương tiện vận tải trên từng tuyến để có kế hoạch điều chỉnh, tập trung, phục vụ các tuyến trọng điểm, không để ùn tắc, ứ đọng khách” - ông Hải nói.

Bến xe Miền Tây đông đúc hành khách về quê ăn Tết ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: NHƯ NGỌC
Bến xe Miền Tây đông đúc hành khách về quê ăn Tết ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: NHƯ NGỌC


Theo ông Hải, các ngày cao điểm từ 21 đến 28 tháng Chạp, một số tuyến đường của một số đơn vị vận tải như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, An Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh… đã hết vé giường nằm. Hiện BXMĐ mới đã phối hợp với các đơn vị bổ sung xe (loại ghế ngồi) để tăng cường hoạt động trên những tuyến hết vé.

Ông Hải thông tin hiện nay Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabusline đang thực hiện đưa đón hành khách đến BXMĐ mới miễn phí, với khoảng 1.488 chuyến/ngày, vì vậy hành khách có thể dễ dàng tiếp cận BXMĐ mới. Ngoài ra, hiện tại có ba đơn vị đăng ký bố trí 38 phương tiện trung chuyển hành khách tại BXMĐ mới.

Đại diện BXMĐ (quận Bình Thạnh) cho biết bến xe đã bước vào cao điểm phục vụ việc đi lại của người dân. Riêng ngày 22 tháng Chạp, bến xe có khoảng 410 xe xuất bến, ngày 23 có khoảng 500 xe xuất bến. “Bến xe cũng chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải để điều động các phương tiện thuộc các tuyến đường có lượng khách ít, phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch, hợp đồng… tăng cường cho các tuyến đường thiếu xe do lượng khách tăng đột biến nhằm đảm bảo công tác giải tỏa và tránh ứ đọng khách tại bến” - đại diện BXMĐ (quận Bình Thạnh) nhấn mạnh.

Tương tự, lãnh đạo Bến xe Miền Tây cũng nhận định năm nay người dân về quê rải rác từ ngày 20 Tết, số còn lại đi bằng phương tiện cá nhân. Dự kiến đến ngày 28, 29 tháng Chạp, Bến xe Miền Tây sẽ có khoảng 50.000 lượt khách mỗi ngày. Với lượng khách như trên, Bến xe Miền Tây đã có đủ các phương án phục vụ, kết nối đảm bảo phương tiện cho người dân về quê đón Tết an toàn, yên vui.

Hơn 140.000 lượt khách/ngày qua sân bay Tân Sơn Nhất

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ghi nhận của PV ngày 23 tháng Chạp, từ sáng sớm người dân từ các tỉnh, thành bắt đầu đổ về sân bay. Dù lượng khách đông nhưng chưa có tình trạng ùn tắc trong thời gian làm thủ tục, soi chiếu an ninh. Tuy nhiên, khu vực chờ ra máy bay đông nghẹt khách do nhiều chuyến bay bị delay, lùi nhiều giờ khởi hành do thời tiết xấu tại các sân bay phía Bắc và miền Trung không thể hạ cánh.

Ve que an Tet 1.JPG
Hành khách làm thủ tục bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 23 tháng Chạp. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, số chuyến bay đi/đến sân bay tăng cao, đạt 869 chuyến trong ngày 23 tháng Chạp, với khoảng 140.000 khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sương mù dày đặc tại các sân bay Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới từ khuya 1-2 nên hàng loạt chuyến bay đã chậm giờ khiến hành khách phải lưu lại sân bay khá đông. “Đây là tình huống bất khả kháng, cảng đã phối hợp với các hãng hàng không để hỗ trợ hành khách tốt nhất” - đại diện sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ.

Đại diện Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị quản lý phà Cát Lái) cho biết hiện tại khu vực phà Cát Lái chưa phải cao điểm Tết, người dân chủ yếu về quê riêng lẻ hoặc hành khách đi làm tại TP.HCM. Ước tính những ngày cận Tết có khoảng 42.000 lượt khách, cao điểm Tết sẽ rơi vào ngày 27 Tết, với khoảng 60.000-70.000 lượt khách/ngày. Tương tự, phía phà Bình Khánh cũng có khoảng 20.000 lượt khách/ngày, cao điểm sẽ có khoảng 28.000 lượt.

Hiện nay phà Cát Lái đang huy động tối đa lực lượng và tám phà, phía phà Bình Khánh sẽ huy động bảy phà để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Chúng tôi sẽ nỗ lực giải tỏa nhanh, không để ùn ứ và giúp người dân đi lại thuận tiện hơn” - vị này nói.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn thông tin từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp, các chặng bay từ TP.HCM đi các địa phương có tỉ lệ đặt chỗ rất cao. Các chặng TP.HCM - Hải Phòng (85%-98%), TP.HCM - Huế (86%-99%), TP.HCM - Pleiku (88%-99%), TP.HCM - Thanh Hóa (85%-96%), TP.HCM - Chu Lai (92%-98%), TP.HCM - Quảng Bình (89%-103%), TP.HCM - Vinh (90%-98%).

Theo nhà chức trách hàng không, trước nhu cầu khách tăng cao, các hãng hàng không đã thuê ướt (máy bay và phi hành đoàn) 15 máy bay để phục vụ cao điểm Tết trên các đường bay đông khách nên tình hình đã bớt “nóng” so với tuần trước, một số ngày vẫn còn chỗ.

Tuy nhiên, theo các đại lý vé, việc tăng tải từ các hãng so với nhu cầu vẫn còn thấp. Hiện nhu cầu đặt vé cận Tết vẫn còn khá cao, nhiều khách chờ sát Tết xem vé có giảm giá không mới chính thức đặt. “Nhiều khách hàng hỏi để thăm dò là chính” - chị Lan Anh, phụ trách đại lý vé tại TP.HCM, chia sẻ.

Trước tình hình lượng khách sẽ tăng cao vào những ngày cận Tết, các hãng hàng không lưu ý hành khách sắp xếp thời gian, chủ động kế hoạch đi lại để có mặt ở sân bay trước 2 tiếng so với giờ khởi hành chuyến bay nội địa, 3 tiếng so với giờ khởi hành chuyến bay quốc tế. Cạnh đó, hành khách thực hiện kiểm tra an ninh soi chiếu ngay sau khi hoàn thành làm thủ tục, chuẩn bị sẵn giấy tờ tùy thân, thẻ lên máy bay, cất gọn toàn bộ tư trang, hành lý vào ba lô, túi xách để công tác soi chiếu, kiểm tra an ninh được nhanh chóng.

Ngày cao điểm Ga Sài Gòn đón khách

Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày cao điểm tại Ga Sài Gòn. Lượng khách về quê qua ga với nhiều khung giờ khác nhau.

Trên chuyến tàu TN4 từ TP.HCM đi Nha Trang khởi hành lúc 11 giờ 20, bạn Huyền, sinh viên năm ba của một trường đại học, cho biết năm nay Huyền cùng bạn chọn đi tàu về quê để trải nghiệm vì chưa bao giờ đi tàu. “Mới đầu còn sợ khó mua vé tàu vì gần sát ngày rồi mình mới mua, may mà vẫn còn vé. Vé đi tàu em mua online nên cũng dễ dàng, giá vé về Nha Trang khoảng 600.000 đồng/người” - Huyền chia sẻ.

IMG_6595.jpeg
Ngành đường sắt kiểm tra các giấy tờ tuỳ thân giống với thông tin trên thẻ lên tàu. Ảnh: ĐỒNG TÚ

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết trong ngày 23 tháng Chạp, ngành đường sắt phục vụ 16 chuyến tàu với hơn 5.000 hành khách. “Đây là ngày đầu Ga Sài Gòn bước vào đợt cao điểm đưa đón khách của Tết Giáp Thìn 2024” - vị đại diện cho hay.

Cũng theo vị này, trong những ngày tới Ga Sài Gòn cũng phục vụ số lượng tàu và lượng hành khách tương tự. Cụ thể, ngày 24 có 16 chuyến tàu với gần 5.707 hành khách, ngày 25 và 26 có 17 chuyến tàu với 5.000-6.000 hành khách. “Trong đó, ngày 7-2 (tức 28 tháng Chạp) có nhiều chuyến tàu nhất với 18 chuyến nhưng lượng hành khách không quá đông, chỉ gần 6.000 hành khách” - vị này nói thêm.

Ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết trong những ngày giáp Tết, lưu lượng người dân di chuyển trên đường rất đông. Để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi đi tàu, tránh những trường hợp trễ tàu đáng tiếc, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách khi đi tàu sắp xếp thời gian có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút đến 1 giờ. Khi nhà ga thông báo mở cửa, hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ của mình để tránh bị nhỡ tàu.

Ông Truyền cũng nói thêm hành khách đi tàu mang theo hành lý nhỏ gọn, mỗi vé hành khách mang không quá 20 kg và tự trông coi, bảo quản hành lý, ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu, giấy tờ tùy thân và giấy tờ để xác minh đối tượng được giảm giá của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu mới được vào ga đi tàu.•

Đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là các cửa ngõ

P8+9-BOX.jpg
Lượng phương tiện qua cửa ngõ phía tây TP chiều 23 tháng Chạp ùn ứ nhẹ. Ảnh: NHƯ NGỌC

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện Sở GTVT TP đã lên phương án phân luồng giao thông ở các cửa ngõ, bến xe. Người dân có thể lựa chọn lộ trình phù hợp để né các điểm ùn ứ. Đồng thời, Sở GTVT TP cũng đã đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan lắp bổ sung hệ thống biển báo hướng dẫn hướng lưu thông, hỗ trợ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí giao lộ có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Tại TP.HCM, sở cũng đã đề nghị Phòng CSGT thuộc Công an TP.HCM hỗ trợ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí, giao lộ theo những lộ trình nêu trên để đảm bảo việc lưu thông được thuận lợi. Các địa phương tại TP cũng xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực như hai BXMĐ, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương… Các bến tàu, bến phà như phà Cát Lái, Bình Khánh; Ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường ra vào cửa ngõ TP để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và trật tự lòng, lề đường để người dân lưu thông được thuận lợi và an toàn.

“Đối với các trường hợp dừng, đỗ trái quy định, các loại xe chở khách quá số lượng cho phép gây mất an toàn giao thông, Sở GTVT TP cũng đã đề nghị lực lượng CSGT, Thanh tra Sở GTVT các địa phương kiểm tra, xử lý” - ông Ngô Hải Đường nói.

Thông tin về tình hình phục vụ vận tải hành khách tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP, cho biết sở luôn theo dõi, yêu cầu các đơn vị kê khai giá vé trong dịp Tết. Việc tăng giá này để bù vào chiều chạy rỗng từ các tỉnh về TP.HCM và tuyến miền Tây, tuyến Tây Ninh nhưng tăng không quá 40%, các tuyến đi miền Trung trở ra Bắc tăng khoảng 60%.

“Chúng tôi luôn kiểm soát, yêu cầu các đơn vị vận tải đăng ký, kê khai và niêm yết giá đúng quy định. Trong trường hợp hành khách phát hiện tăng giá cước bất thường, bán vé không đúng giá niêm yết thì có thể phản ánh đến đường dây nóng của sở. Mặt khác, chúng tôi khuyến cáo hành khách nên vào bến xe, lựa chọn hãng xe uy tín để đảm bảo quyền lợi trong dịp Tết này” - ông Đỗ Ngọc Hải nói.

Để đảm bảo giải tỏa hành khách ở khu vực sân bay, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết hiện nay taxi ở sân bay có khoảng 4.500 xe, xe hợp đồng khoảng hơn 4.000 xe. Trước sân bay cũng đã có bãi đệm đỗ taxi nên việc điều tiết phương tiện vô cùng thuận tiện, kịp thời. Như vậy, sẽ không có áp lực cao từ phía khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, hành khách có thể sử dụng xe buýt 24/24 giờ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP.HCM. Như vậy, cả chiều đến và đi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giải tỏa hành khách nhanh chóng, đảm bảo phương tiện cho người dân đi lại trong dịp Tết này. Đ.TRANG

Đọc thêm