TP.HCM: Dân tích cực giao mặt bằng cho metro số 2

Theo kế hoạch, cuối năm 2020, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) sẽ nhận 100% mặt bằng sạch từ các quận có tuyến metro số 2 đi qua.

Do đó, hiện nay các quận đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiến hành trao quyết định bồi thường đến tay từng hộ dân. Đặc biệt, các quận 1, Tân Bình, Tân Phú đã có 100% hộ dân bị ảnh hưởng nhận quyết định bồi thường.

Hiểu được tầm quan trọng của dự án

Theo ghi nhận của PV, những ngày gần đây, tại đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Trường Chinh (quận Tân Bình), người dân tất bật tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án metro số 2.

Nhiều căn nhà có mặt tiền đường, giá trị lớn, song vì lợi ích chung nên nhiều người dân sẵn sàng di dời để nhường chỗ cho dự án. Những hộ dân này sẵn sàng di dời hơn 15 m chiều dài, dọn dẹp mặt bằng sạch sẽ, sẵn sàng bàn giao cho dự án.

Ông NVK (phường 13, quận Tân Bình) chia sẻ: Dù giá bồi thường chỉ bằng 70% giá thị trường nhưng ông vẫn vui vẻ chấp thuận vì tầm quan trọng của dự án. Cụ thể, dự án này không chỉ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông mà còn nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và TP.

“Sau khi nhận được quyết định bồi thường, tôi đã sẵn sàng tháo dỡ hơn 170 m2 nhà để giao cho Nhà nước. Tôi hy vọng tuyến metro số 2 sớm hoàn thiện để người dân được hưởng lợi từ dự án này” - ông K. nói.

Ông Nguyễn Trung Sơn (Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình) cho biết tính đến thời điểm này, phường đã có 62/67 hộ dân nhận tiền bồi thường, trong đó có 52 căn nhà bàn giao ranh giới cho dự án. Để đạt được kết quả này, UBND phường 4 và UBND quận Tân Bình đã tiến hành công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu về lợi ích của tuyến metro số 2 để người dân ủng hộ và bàn giao mặt bằng.

Người dân tháo dỡ nhà trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) để bàn giao mặt bằng cho dự án metro số 2. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nhiều nhà ga đã được bàn giao

Ông Mai Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình, cho biết: Đến nay, quận đã bàn giao được 2/6 nhà ga cho chủ đầu tư. Hai nhà ga đã được bàn giao là ga Phạm Văn Bạch và ga S10; bốn nhà ga còn lại gồm: S7 - Nguyễn Hồng Đào, S8 - Nguyễn Thượng Hiền, S9 - Bà Quẹo và S6 - Phạm Văn Hai. Dự kiến trong quý III và IV-2020, các ga này sẽ bàn giao 100% mặt bằng.

Ban bồi thường GPMB quận Tân Bình cho biết quận đã ban hành 339 quyết định và phương án bồi thường, hỗ trợ cho các cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2. Đồng thời, quận cũng chi đền bù cho 275 trường hợp với tổng kinh phí hơn 1.660 tỉ đồng. Hiện có 17 trường hợp không bảo đảm điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (thuộc MAUR), cho biết công tác bồi thường, GPMB tuyến metro số 2 hiện nay các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, tỉ lệ đạt 96,02% (579/603 trường hợp). Trong đó, các quận 1, Tân Bình và Tân Phú đã đạt 100%. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng của cả tuyến đạt 66,67% (402/603 trường hợp).

Các quận cũng đang ráo riết triển khai công tác bồi thường GPMB. Hiện UBND quận 10 đã bàn giao mặt bằng tại nhà ga S5 - Lê Thị Riêng; 74 trường hợp bị ảnh hưởng khác dự kiến bàn giao trong tháng 9.

UBND quận Tân Phú đã bàn giao ranh mặt bằng vị trí ba nhà ga gồm: S9 - Bà Quẹo, S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương trên địa bàn quận Tân Phú; quận 1 có 29 trường hợp dự kiến bàn giao trong quý IV.

Ông Khoa cho biết từ nay tới cuối năm, MAUR sẽ tiến hành nhận mặt bằng từ các địa phương. Đồng thời, MAUR cũng sẽ triển khai một số gói thầu để tiến hành các phương án di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị cho công tác thi công trong năm 2021. 

Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật để thực hiện dự án metro số 2, hiện MAUR đã ký quy chế phối hợp di dời các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2.

Hiện MAUR đã ký quy chế phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) và Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT).

Thời gian tới, MAUR sẽ tiến hành di dời và tái lập công trình thoát nước, biển báo, cây xanh, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông.

Đồng thời, MAUR cũng sẽ phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tiến hành di dời và tái lập công trình điện. Song song đó, đơn vị phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tiến hành di dời và tái lập công trình cấp nước.

Metro số 2 sẽ được rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1, đặc biệt việc di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng, quản lý thi công… với mục đích đưa tuyến về đúng tiến độ năm 2026.

Đáp ứng vận chuyển 170.000 khách/ngày

Tuyến metro số 2 có lộ trình từ nhà ga ngầm trung tâm khu vực chợ Bến Thành, theo đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh, điểm cuối là depot Tham Lương.

Tuyến có chiều dài 11,3 km, gồm 2 km trên cao và 9,3 km đi ngầm.

Tuyến metro số 2 khi bắt đầu vận hành sẽ có 10 đoàn tàu với ba toa tuyến, có khả năng chuyên chở lên đến 170.000 hành khách/ngày.

Vào giai đoạn 10 năm sau, tuyến sẽ có 14 đoàn tàu và sáu toa, có thể đáp ứng nhu cầu lên đến hơn 480.000 khách/ngày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới