Người dân bị dính metro số 2 mong được xây nhà

“Chủ trương của Nhà nước là sớm bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2, song nếu giao mặt bằng thì chúng tôi phải sửa hoặc xây mới nhà. Thế nhưng việc xin giấy phép xây dựng (GPXD) đến nay vẫn ách tắc vì lý do phải chờ hướng dẫn của UBND TP. Chúng tôi chỉ mong TP sớm có quy chuẩn, hướng dẫn để người dân sinh sống ổn định” - bà Vũ Thị Bích Thu, ngụ phường 4, quận Tân Bình bày tỏ.

Một số hộ dân chưa thể bàn giao mặt bằng

Theo ghi nhận của PV, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ chưa có động thái bàn giao. Bà Vũ Thị Bích Thu, một người dân có nhà ở ngay khu vực ga S7, cho biết: “Nhà tôi thuộc diện giải tỏa một phần, ranh giải tỏa đến giữa cầu thang. Như vậy, để giao được mặt bằng tôi buộc phải đập gần như toàn bộ nhà. Tôi đã làm hồ sơ xin cấp GPXD ba tháng nay nhưng chưa được”.

Tương tự, ông NVT cho biết nhà của ông được xây dựng từ năm 1968. Khi bàn giao 10 m chiều dài cho địa phương, nhà bị sụp trước và sau. Ông T. đi xin GPXD nhưng được trả lời phải chờ cấp trên hướng dẫn.

“Nhà tôi đã quá cũ rồi, hiện nay tôi phải cơi nới lại, cả nhà sống trong cảnh nhếch nhác nên gia đình lo lắng lắm. Tôi chỉ mong chính quyền sớm cấp GPXD để chúng tôi được ổn định cuộc sống” - ông T. nói.

Tại ga S8 ở phường 13, quận Tân Bình cũng có khoảng 3/45 hộ dân có nhu cầu xây mới nhà nhưng đều chưa thể tiến hành do chưa xin được GPXD.

Nhiều hộ dân xung quanh tuyến metro số 2 sau khi bàn giao mặt bằng rất cần được sửa chữa hoặc xây mới nhà. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chờ hướng dẫn từ UBND TP

Ông Trần Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình, cho biết trên địa bàn phường có ga S7 với khoảng 45 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong số này ba hộ dân có nhu cầu xây mới nhà. Tuy nhiên, hiện nay quận chưa thể cấp giấy được, phường đã giải thích để các hộ dân hiểu và tiếp tục chờ đợi. Tương tự, đại diện UBND phường 4, quận Tân Bình cho biết việc xây dựng nhà liên quan đến ranh metro phải chờ hướng dẫn từ Ban quản lý đường sắt đô thị. Việc này tốn nhiều thời gian nên gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

UBND quận đang đề xuất một hướng mở với UBND TP. Cụ thể, đối với các công trình có tầng hầm thì sẽ chờ hướng dẫn của Sở GTVT, còn các công trình xây không có tầng hầm thì giao cho UBND quận cấp GPXD bình thường. Tuy nhiên, quận chưa nhận được phản hồi từ UBND TP.

Ông MAI VĂN THUẬN, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình

______________________________

Tại quận 10, nơi có tuyến metro số 2 cũng đang gặp vướng mắc tương tự quận Tân Bình. Địa bàn này có 29 hộ dân xin sửa chữa và 17 hộ muốn xây mới nhà. Các trường hợp người dân chỉ cải tạo mặt tiền nhà, không ảnh hưởng đến tải trọng công trình thì quận đã cho cấp GPXD. Riêng các hộ xây dựng mới thì cần có hướng dẫn về chiều cao, lộ giới do phải có đánh giá tác động tải trọng công trình ảnh hưởng đến đường hầm metro nên chưa thể giải quyết. Sở GTVT đã báo cáo UBND TP để xin hướng giải quyết.

Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn sáu quận tại TP.HCM. Là địa phương có phạm vi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, quận Tân Bình có 356 trường hợp bị ảnh hưởng với sáu nhà ga. Đến nay, quận có 160 trường hợp đã nhận tiền bồi thường với tổng số trên 950 tỉ đồng. Đa số các trường hợp này đều có nhu cầu xin GPXD hoặc sửa chữa, cải tạo nhà sau khi bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, do vướng mắc khi triển khai thực hiện theo Nghị định 56/2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt nên quận chưa có cơ sở cấp GPXD cho người dân. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và cả tiến độ bàn giao mặt bằng. Do đó, quận Tân Bình đã có văn bản gửi UBND TP về việc giải quyết vướng mắc trong việc cấp GPXD nhà ở cho các trường hợp trên.

Ông Mai Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình, cho biết tất cả trường hợp cấp GPXD khác đều thuộc thẩm quyền của quận nhưng tại hai bên ranh tuyến metro thì lại bị điều chỉnh bởi Nghị định 56. Do vị trí này có vùng chia cắt xây dựng, khác với các tuyến đường khác. Nếu người dân xây dựng nhà cửa sẽ làm ảnh hưởng đến tuyến metro. Đối với các trường hợp sửa chữa nhà thì người dân được thực hiện mà không cần xin phép. Riêng những hộ dân xin xây mới nhà có tầng hầm thì mới phải chờ hướng dẫn.

Ông Thuận viện dẫn theo khoản c Điều 18 Nghị định 56 quy định “khi xây dựng mới công trình gần, liền kề công trình đường sắt hiện hữu, phải bố trí công trình xây mới nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt. Trường hợp không thể bố trí công trình nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho công trình đường sắt, gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện”.

Do đó, Sở GTVT đang là cơ quan có thẩm quyền, tham mưu cho TP bởi đây là công trình giao thông. Hiện nay các quận đều đang chờ hướng dẫn từ Sở GTVT để có cơ sở giải quyết cho người dân.

Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết UBND TP đã có chỉ đạo các sở có liên quan phải sớm có hướng dẫn cho người dân. Trước mắt, trường hợp sửa chữa nhỏ thì các quận cấp phép cho người dân, riêng những dự án có quy mô lớn cần có ý kiến của các sở chuyên ngành.

Những căn nhà muốn xây dựng mới phải tuân theo Nghị định 56 về bảo vệ hành lang an toàn đường sắt bởi các hộ này nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ. Do đó, chắc chắn có những quy định liên quan đến việc hạn chế xây dựng bởi tuyến hầm metro đi ngầm dưới lòng đất. Đồng thời, TP cũng sắp ban hành quy trình hướng dẫn để giảm thiểu thủ tục hành chính cho các địa phương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm