TP.HCM đề nghị dự trù quỹ đất làm đường sắt vượt qua sông Sài Gòn

(PLO)- TP.HCM đề nghị Bộ GTVT dự trù quỹ đất quy hoạch tiềm năng nếu tiếp tục triển khai tuyến đường sắt vượt qua sông Sài Gòn, kết nối về ga đầu mối và depot Tân Kiên.

Ngày 3-11, tại TP Nha Trang, đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm, dẫn đầu đã làm việc với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM về nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đến nay các địa phương cơ bản đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga, công trình trên tuyến (ga hàng hóa - depot, trạm bảo dưỡng).

Đại diện Bộ GTVT cho biết trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, bộ đã ghi nhận nhiều ý kiến của các tỉnh, thành và tiếp thu để hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Sớm hoàn thiện quy hoạch ga đầu mối Thủ Thiêm

Tại buổi làm việc, đại diện UBND TP.HCM đề nghị đề nghị Bộ GTVT cập nhật đầy đủ về quy mô, dạng thức, chi tiết kỹ thuật các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch, để bố trí hợp lý các giải pháp giao nhau giữa đường bộ và đường sắt đảm bảo tính khả thi, hợp lý, tránh những phát sinh, điều chỉnh lớn trong giải pháp thiết kế khi triển khai ở giai đoạn tiếp theo.

Đại diện các địa phương trình bày kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: XH

Điều này, Bộ GTVT cho biết đã xem xét, nghiên cứu phương án hướng tuyến, cấu trúc tuyến trên cơ sở thực trạng các công trình hiện hữu, đang xây dựng, quy hoạch trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, xem xét đến việc lồng ghép tuyến cao tốc khi đi qua nút giao hiện có (nút giao Phú Hữu) cũng như nút giao đang xây dựng (nút giao An Phú) và các vị trí giao cắt khác, từ đó kiến nghị lựa chọn phương án đi cầu cạn trong địa phận TP.HCM để đảm bảo tính khả thi.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT sớm tổ chức thực hiện, hoàn thành công tác nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm (tỷ lệ 1/500) để TP có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga. Đồng thời, cần dự trù quỹ đất quy hoạch tiềm năng nếu tiếp tục triển khai tuyến đường sắt vượt qua sông Sài Gòn để kết nối về ga đầu mối và depot Tân Kiên.

Đối với kiến nghị của TP.HCM về xem xét khả năng chuyển vị trí depot từ Long Trường, TP Thủ Đức sang khu vực Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bộ GTVT cho biết về vận tải đường sắt, việc đặt depot ở vị trí cách xa điểm cuối tuyến khoảng 50 km là không phù hợp.

Bởi quãng đường chạy rỗng của đoàn tàu quá lớn, chi phí vận hành quá cao, đồng thời tăng khối lượng công trình đầu tư (tăng chiều dài đường dành riêng cho tàu chạy từ Thủ Thiêm về depot và ngược lại, không chạy chung trên chính tuyến để đảm bảo năng lực tuyến đường).

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp tại ga Thủ Thiêm thì giải pháp đặt depot tại Long Trường là hợp lý.

Tiếp thu, điều chỉnh nhiều kiến nghị của các địa phương

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh vị trí ga hàng từ thị xã Ninh Hòa về xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh. Điều này để đảm bảo đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển đã được nghiên cứu đề xuất trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong được duyệt.

Tổng quan thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh: XH

Đối với vị trí ga tại khu vực phía Nam của tỉnh Khánh Hòa, địa phương này kiến nghị liên danh tư vấn tiếp thu ý kiến của tỉnh để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT xem xét quyết định cập nhật vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để đảm bảo phù hợp, đồng bộ.

Đối với kiến nghị thứ nhất, Bộ GTVT không đồng ý. Lý do, khu vực này nằm phía Tây tuyến đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc, tách biệt với phía Đông là khu Vân Phong, không có quỹ đất để phát triển nhà ga hàng hóa và kết nối giao thông.

Đồng thời, theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thì khu vực Nam Vân Phong tập trung tại khu vực Đông Bắc thị xã Ninh Hòa và xã Ninh Phước là khu vực tập trung cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, khu công nghiệp. Mặt khác đoạn tuyến đường sắt ở khu vực này nhiều đường cong không đảm bảo kỹ thuật bố trí ga.

Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét lại một số vị trí hướng tuyến đi gần các công trình hồ thủy lợi, như hồ Trà Van, hồ Lợi Hải,.... Đồng thời, đề nghị đánh giá sự ảnh hưởng và tính toán an toàn công trình hồ, đập khi triển khai các bước tiếp theo phương án hướng tuyến dự án và vị trí, số lượng ga hành khách, trạm bảo dưỡng hạ tầng đoạn qua địa phương.

Đại diện Bộ GTVT đã tiếp thu các đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận và cho biết sẽ nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội khảo sát địa điểm dự kiến xây xây dựng ga Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: VK

Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh vị trí ga Mương Mán và trạm bảo dưỡng tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam về phía Bắc khoảng 4 km, nhằm kết nối hệ thống đường bộ từ đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào trung tâm thành phố Phan Thiết. Ngoài ra, điều chỉnh ga tiềm năng tại xã Sông Phan thành ga chính thức nhằm phục vụ nhu cầu đi lại khá lớn khu vực phía Nam của tỉnh Bình Thuận.

Cả hai đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận đều được Bộ GTVT tiếp thu và đưa vào nghiên cứu tiền khả thi dự án để báo cáo cấp trên.

UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT xem xét nghiên cứu bố trí thêm nhà ga hành khách tại khu vực giao tuyến Quốc lộ 56. Tuy nhiên, đề nghị này không được Bộ GTVT đồng ý, với lý do cự ly vị trí ga bổ sung đến các ga Long Thành khoảng 22,8 km, ga Phan Thiết khoảng 89 km, không phù hợp với nguyên tắc bổ sung ga (khoảng cách tối thiểu 30 km).

Do đó, trước mắt chưa xem xét đề xuất ga tại khu vực giao tuyến Quốc lộ 56. Trong giai đoạn khai thác, khi hình thành các đô thị, trung tâm kinh tế mới có đủ điều kiện sẽ tiến hành đánh giá và xem xét bổ sung ga. Việc đầu tư các ga bổ sung này sẽ ưu tiên triển khai theo hướng huy động nguồn lực xã hội hóa.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, phát biểu kết luận. Ảnh: XH

Phát biểu kết luận, Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới.

Theo ông Sơn, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến thẩm tra chính thức các về nội dung. Trong đó, đồng ý về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

“Ngày 4-11, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp toàn thể về nội dung này. Nếu đã đầy đủ điều kiện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới”- ông Sơn nói.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng.

Đây là đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD); đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Dự kiến, dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý IV-2024; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025-2026; khởi công trong năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng trong năm 2035.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới