TP.HCM đề xuất trung ương giải pháp hạ nhiệt giá nhà ở

(PLO)- TP.HCM muốn được triển khai các dự án nhà ở xã hội để hạ nhiệt giá nhà và giải bài toán trong sử dụng vốn đầu tư công đó là “có tiền nhưng không tiêu được”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa trình Bộ KH&ĐT hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM. Trong đó, chính quyền TP.HCM đề xuất triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang rất cấp thiết trên địa bàn để hạ nhiệt giá nhà ở.

Nhà đầu tư được xây NƠXH không phải trên đất ở

Theo UBND TP.HCM, để thực hiện mục tiêu đầu tư NƠXH, địa phương đề xuất cho phép được thí điểm bổ sung hình thức “có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn sử dụng đất không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH” vào các quy định tại Điều 56 Luật Nhà ở (đối với NƠXH), điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 và Điều 4 Luật số 03/2022 của Quốc hội.

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân), một dự án nhà ở xã hội cho thuê hiếm hoi tại TP.HCM. Ảnh: VIỆT HOA

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân), một dự án nhà ở xã hội cho thuê hiếm hoi tại TP.HCM. Ảnh: VIỆT HOA

Chính quyền TP.HCM cho biết theo quy định hiện hành, nhà đầu tư muốn phát triển NƠXH phải có đất ở mới đề xuất thực hiện dự án NƠXH. Điều này đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư đi nhận chuyển nhượng các loại đất khác không phải là đất ở hoặc nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở thì sẽ không đáp ứng được điều kiện để phát triển NƠXH theo quy định.

Thực tế vừa qua TP.HCM nhận được nhiều hồ sơ xin đầu tư nhà ở thương mại, NƠXH. Trong đó, nhà đầu tư chứng minh có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải là đất ở để thực hiện đầu tư dự án NƠXH, hoặc nhà đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, quyết định giao đất nhưng mục đích sử dụng đất hiện hữu không phải là đất ở nên chưa được đầu tư.

Vì vậy, chính quyền TP nhận định chính sách này sẽ góp phần đẩy nhanh việc triển khai các dự án NƠXH đang rất cấp thiết tại TP.HCM, tránh hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên đất khi chưa đưa vào triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cạnh đó, chính sách trên còn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương, chấp thuận đầu tư nhưng chưa đảm bảo quyền sử dụng đất ở, chưa được giao đất, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai. Tạo ra nguồn cung nhà ở trên thị trường, góp phần giảm giá nhà trên mặt bằng chung, giải quyết nhu cầu về chỗ ở giá cả hợp lý cho người dân.

Chính quyền TP.HCM đề xuất triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang rất cấp thiết trên địa bàn để hạ nhiệt giá nhà ở.

Giải bài toán “có tiền nhưng không tiêu được”

Về bố trí vốn ngân sách địa phương, TP.HCM cũng đề xuất sau khi đảm bảo cân đối đủ ngân sách để bố trí vốn cho các chương trình, dự án nằm trong tổng mức vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương đã được Quốc hội thông qua, cho phép HĐND TP bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án đầu tư công bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Hằng năm, căn cứ khả năng thu ngân sách thực tế, mức tăng thu ngân sách so với chỉ tiêu được giao và nguồn thưởng vượt thu, HĐND TP quyết định việc bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án nằm trong tổng mức vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương đã được Quốc hội thông qua. Sau đó tiếp tục bố trí cho các dự án khác theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công.

HĐND TP đảm bảo việc bố trí vốn cho các dự án phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm và không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo TP.HCM, việc áp dụng chính sách này địa phương có thể chủ động, linh hoạt trong việc điều hành ngân sách địa phương, tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, nếu được áp dụng chính sách thì TP dự kiến cân đối bổ sung được khoảng 119.000 tỉ đồng để bố trí vốn đầu tư các dự án mới để phát triển kinh tế - xã hội của TP. Điều này giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế qua việc giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu) thoát khỏi tắc nghẽn… Tăng hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư công do có thể bố trí ngay cho các dự án khởi công mới có nhu cầu vốn cao, có thể giải ngân được ngay.

Đối với các dự án đang vướng mắc về thủ tục, trong đó có công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có thể linh hoạt bố trí vốn hằng năm ở các năm tiếp theo sau khi đã tháo gỡ được các vướng mắc. Đồng thời cơ chế cũng không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm và không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản của TP.HCM, vì vậy cũng không ảnh hưởng đến trần nợ công chung của cả nước.•

Được hưởng tiền từ bán tài sản công

TP.HCM cũng đề xuất ngân sách TP được hưởng 30% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

Theo TP, tinh thần Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đặc biệt là nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn. Do đó, quy định trên sẽ bổ sung nguồn thu lớn từ nhà đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc trung ương để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm