TP.HCM giám sát những điểm “nuôi” lăng quăng gây sốt xuất huyết

(PLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) giám sát và ghi nhận không ít địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nơi đây vừa thực hiện giám sát những điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết (SXH) tại phường Hiệp Thành (quận 12) và phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức).

Đây là hai phường có số ca mắc SXH tích lũy cao nhất trên địa bàn quận 12 và TP Thủ Đức.

Trên địa bàn phường Hiệp Thành, đoàn đã giám sát bốn điểm nguy cơ và phát hiện hai điểm có lăng quăng.

Nhiều vỏ xe trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12 đọng nước, có lăng quăng. Ảnh: HCDC

Nhiều vỏ xe trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12 đọng nước, có lăng quăng. Ảnh: HCDC

Tại quán cà phê sân vườn trên đường Hiệp Thành 13, tổ 25, đoàn ghi nhận sau quán rất nhiều thùng chứa nước không đậy kín có lăng quăng. Ngoài ra còn nhiều vỏ xe tại bãi giữ xe gần đó đọng nước, có lăng quăng.

Trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, đoàn kiểm tra cũng đã giám sát sáu điểm nguy cơ và phát hiện bốn điểm có lăng quăng. Các điểm nguy cơ rất đa dạng về loại hình, từ nhà trọ cho thuê đến các hộ kinh doanh cây kiểng, quán cà phê và trường học.

Lăng quăng trú ngụ trong vật dụng trang trí tại một trường mầm non ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ảnh: HCDC

Lăng quăng trú ngụ trong vật dụng trang trí tại một trường mầm non ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ảnh: HCDC

Tuần sau, Trạm Y tế phường Hiệp Thành và Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh sẽ tái kiểm tra những điểm nói trên và sẽ tham mưu UBND phường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu còn phát hiện ổ lăng quăng. Bên cạnh đó, HCDC cũng sẽ báo cáo kết quả giám sát về Sở Y tế TP.HCM để nơi đây thông báo đến UBND quận 12 và UBND TP Thủ Đức chỉ đạo xử lý.

Hiện TP.HCM đang bước vào mùa mưa. Qua giám sát, HCDC ghi nhận không ít địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Việc rà soát, phân loại và xử lý các điểm nguy cơ rất quan trọng, cần sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Xử lý nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh là giải pháp rất căn cơ để kiểm soát dịch bệnh SXH.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần 22 (từ 29-5 đến 4-6), TP ghi nhận 154 trường hợp mắc SXH, giảm hơn 3% so với trung bình bốn tuần trước.

Từ đầu năm 2023 đến tuần 22, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 7.753 trường hợp mắc SXH, giảm gần 30% so cùng kỳ năm 2022 (11.035 ca). TP.HCM cũng chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm