TPHCM: Giáo viên 'chen chân' tìm việc

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Theo thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, năm 2014, nhu cầu tuyển dụng giáo viên (GV) dạy môn toán khối THPT của Sở chỉ là 77 người nhưng số hồ sơ đăng ký dự tuyển lên đến 148. Môn vật lý, nhu cầu tuyển dụng là 51 nhưng có đến 129 hồ sơ dự tuyển. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các môn khác như hóa, văn, sử, địa.

Thừa hàng loạt giáo viên


Năm 2013, chỉ riêng khối THPT, Sở GD-ĐT TPHCM nhận được 1.131 hồ sơ dự tuyển, trong đó nhiều nhất vẫn là dự tuyển ở các môn hóa học (132 hồ sơ), ngữ văn (119 hồ sơ), toán (154 hồ sơ), vật lý (152 hồ sơ). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển dụng viên chức khối trực thuộc sở năm 2013 - bao gồm cả GV khối CĐ, trung cấp, GV mầm non cao cấp, GV tiểu học cao cấp… - chỉ 761, riêng GV khối trung học chỉ có 443 chỉ tiêu.

Năm 2014, nhu cầu tuyển dụng GV khối THPT của sở là 555 người, trong khi có đến 949 hồ sơ dự tuyển.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, đối với các bậc mầm non, tiểu học, THCS, nhân sự GV sẽ do các quận - huyện đề xuất, tuyển dụng và quản lý, sở chỉ quản lý về chuyên môn. Riêng bậc THPT, hiện TPHCM đã đủ GV, các trường sư phạm không cần đào tạo thêm nữa.

Ông Long lấy ví dụ nhu cầu tuyển dụng của môn ngữ văn chỉ cần 10 GV nhưng có đến 50 hồ sơ dự tuyển, tức là còn dư đến 40 hồ sơ. Trong khi đó, các trường sư phạm vẫn tiếp tục đào tạo, rõ ràng GV ra trường khó kiếm được việc làm.

Tuy nhiên, ông Long cũng nhìn nhận việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm rất khó vì hiện nay, các trường đóng trên địa bàn TP như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường CĐ Sư phạm trung ương TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn không chỉ cung cấp GV cho riêng TP mà còn cho các địa phương khác.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sau khi ra trường không muốn về địa phương công tác mà ở lại TP cũng dẫn đến chuyện thừa GV. Đó là chưa kể những năm trước, khi chưa siết quy định về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhiều sinh viên không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng đi học thêm chứng chỉ này vẫn nghiễm nhiên đủ điều kiện cạnh tranh với các sinh viên tốt nghiệp sư phạm.

Nghịch lý môn chính, môn phụ

Không trúng tuyển bậc học cao, nhiều GV chuyển xuống ứng tuyển ở khối giáo dục quận - huyện là các bậc học THCS, tiểu học và mầm non nhưng hệ THCS và tiểu học cũng đã bão hòa. Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 cho hay trong nhiều năm, số học sinh không tăng, GV trẻ chiếm đa số nên không có nhu cầu tuyển dụng thêm.

Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, có những môn học, chẳng hạn công nghệ (kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp), nhu cầu tuyển dụng không cao, năm 2014 là 9 GV, thì cũng chỉ có 10 hồ sơ dự tuyển. Như vậy, những trường hợp này chắc chắn được tuyển, trong khi những môn còn lại thì cạnh tranh khốc liệt.

Riêng môn tiếng Anh, năm 2014 có đến 82 hồ sơ đăng ký trong khi sở chỉ tuyển 58 GV. Ở bậc THCS, nhiều quận - huyện ngoại thành có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng GV lại không chịu về.

Dư thừa GV, không có “cửa” cạnh tranh vào các trường THPT công lập, nhiều GV phải tìm hướng chạy sang các trường ngoài công lập. Song, cuộc chạy đua này cũng cam go không kém khi hiện nay, các trường ngoài công lập do tình hình tuyển sinh không khả quan nên không có nhu cầu tuyển GV.

Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận 12 cho rằng trường vừa ít học sinh vừa phải cạnh tranh với các trường ngoài công lập khác nên tiêu chí tuyển GV phải thật giỏi và có kinh nghiệm, thậm chí chấp nhận trả tiền cao để mời GV có tên tuổi về trường dạy thêm chứ không tuyển người mới, có như thế mới thu hút được học sinh và phụ huynh tin tưởng gửi con.

“Thực tế là nhiều GV trẻ sau khi ra trường không trúng tuyển vào các trường công lập, phải chạy sang các trường khác cũng chỉ được sắp xếp làm GV quản nhiệm hoặc phụ trách các công việc vặt” - hiệu trưởng này bày tỏ.

Thiếu định mức tiết dạy vì thừa giáo viên

Thừa GV bậc THPT dẫn đến tình trạng ở nhiều trường, GV không đủ định mức tiết dạy. Tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), nhiều GV phản ánh về tình trạng do không đủ định mức tiết dạy nên phải đi làm thêm nhiều việc khác bù lại.
Ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng ban đầu, số GV được tuyển đủ theo số học sinh nhưng năm học 2014-2015, trường chỉ tuyển được 13 lớp 10 trong khi dự tính tuyển được 15 lớp. Vì thế, số GV dôi ra, thiếu giờ dạy và dẫn đến thiếu định mức tiết dạy theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm