Sáng 7/4, tại cuộc họp khẩn của UBND.TP liên quan đến việc quản lý, giám sát các thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ của các đơn vị, trong đó có 124 thiết bị phóng xạ di động (được di chuyển thường xuyên trong quá trình sử dụng).
Thiết bị phóng xạ từng bị mất cắp ở TPHCM |
Theo ông Thanh, hiện cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quản lý về số lượng, đơn vị và các đặc tính thiết bị, còn việc kiểm soát vẫn do đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách.
“Trường hợp thiết bị bị thất lạc, bị mất thì không thể nào kiểm soát được. Đây là một nguy cơ về sự thiếu an toàn trong việc quản lý thiết bị có tính chất đặc thù” – ông Thanh cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ, sau vụ mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân tại Công ty TNHH Apave Châu Á - Thái Bình Dương chi nhánh TP.HCM vào ngày 15/9/2014, UBND.TP đã chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với ICDREC tiến hành khảo sát và lắp đặt thiết bị định vị trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ để quản lý, theo dõi.
Sau khi nghe Sở Khoa học - Công nghệ và đại diện ICDREC cho biết lý do việc triển khai chậm là do TP chưa…duyệt đề tài nguyên cứu, dù phần kỹ thuật và phần mềm hệ thống đã được các đơn vị chuẩn bị sẵn; ông Lê Mạnh Hà đề nghị bỏ qua khâu hành chính này, phải xem việc gắn định vị cho các thiết bị chứa nguồn phóng xạ là việc cần làm ngay và cấp bách.
“Nếu chúng ta để thiết bị lang thang ngoài đường có khác gì quả bom. Chúng ta không nên loay hoay nữa. Nguy hiểm nguồn phóng xạ nếu thất lạc mới là quan trọng, vì để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì tiền nào lo cho đủ” – ông Hà nói
Vì vậy, theo chỉ đạo của vị phó chủ tịch ngay trong ngày mai (8/4) Sở Khoa học - Công nghệ và ICDREC phải tới từng địa chỉ cụ thể và gắn ngay thiết bị định vị, chứ không nên chậm trễ nữa.