Sáng 24-9, hội nghị lần thứ 49 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) đã khai mạc. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã báo cáo tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ TP.HCM khóa X.
Theo ông Hải, trong giai đoạn 2016-2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm tra đối với 156 tổ chức đảng và 43 đảng viên, giám sát 49 tổ chức đảng và 42 đảng viên. Cấp ủy các cấp cũng kiểm tra 11.334 tổ chức đảng và 11.411 đảng viên, giám sát hơn 8.600 tổ chức đảng và hơn 10.800 đảng viên.
Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã xem xét thi hành kỷ luật đối với 46 tổ chức đảng (giảm 2 tổ chức so với giai đoạn 2010-2015), trong đó 37 tổ chức đảng bị khiển trách, 8 tổ chức đảng bị cảnh cáo và giải tán 1 tổ chức đảng.
Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp cũng đã xem xét xử lý 2.036 đảng viên (tăng 219 đảng viên so với nhiệm kỳ trước đó), trong đó 1.439 đảng viên bị khiển trách, 476 đảng viên bị cảnh cáo, 71 đảng viên bị cách chức, 50 đảng viên bị khai trừ.
Đánh giá về vấn đề này, ông Dương Ngọc Hải cho rằng nhiệm kỳ này có sự chuyển biến về nhận thức, trong đó có cán bộ đảng viên của Đảng bộ TP.HCM. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp đã đẩy mạnh công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm và những vụ việc có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Mặc dù vậy, ông Dương Ngọc Hải cũng cho rằng công tác kiểm tra, giám sát nhìn chung chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, có nơi thực hiện chưa hiệu quả và chưa làm tốt việc nắm thông tin, xác định có dấu hiệu vi phạm trước khi có quyết định kiểm tra.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Ngoài ra, việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm; chất lượng tự kiểm tra còn hạn chế...
Đến năm 2045, thu nhập bình quân ước đạt 40.000 USD
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết mục tiêu năm 2025, TP phải tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thể hiện năng lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP cũng phải đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo, khẳng định chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo ông Nhân, ở giai đoạn này, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh cơ bản phải hoàn thành, phát triển dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại. “Đây là dự án tốn hàng ngàn tỷ, quy trình thực hiện dự án khá mới và phức tạp”- ông Nhân nói và đề nghị các cấp, sở ngành tập trung đấu thầu các dự án để đến năm 2021 đi vào triển khai thực hiện.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho biết đến năm 2030, TP.HCM phải là TP dịch vụ công nghiệp hiện đại với 3 động lực về kinh tế, chính trị và văn hóa. “TP.HCM thời điểm này phải là thành phố văn hóa”- ông Nhân nói.
Ước thu nhập bình quân đầu người của người dân TP năm 2030 đạt 12.570 USD, thuộc nhóm có thu nhập cao. TP phải trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á.
Còn đến năm 2045, TP.HCM phải là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của toàn châu Á. Mức thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu.