TP.HCM phát sinh thêm 3 điểm đen tai nạn giao thông

Cụ thể, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết các điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) mới phát sinh này xuất hiện trong hai tháng đầu năm 2019 gồm: Giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), cầu Sài Gòn 2 (quận Bình Thạnh), giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (huyện Bình Chánh). Như vậy, đến nay số điểm đen TNGT ở TP.HCM nâng lên đã tăng lên con số 19.

Hay xảy ra tai nạn

Tình hình thực tế ở các điểm đen mới này như cầu Sài Gòn 2 (hướng từ quận Bình Thạnh đi quận Thủ Đức) thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp xe máy chạy vào làn ô tô gây ra tai nạn.

Điển hình, ngày 12-1, một nam thanh niên đi xe máy vào làn ô tô trên cầu Sài Gòn 2, gây TNGT khiến nam thanh niên này tử vong. Ngay sau đó, khi công an đang khám nghiệm hiện trường thì hai người đi xe máy khác cũng lưu thông vào làn ô tô và đâm phải xe chuyên dụng của cảnh sát. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn tương tự diễn ra trong khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị vận hành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông TP, cũng cho biết qua camera giám sát ghi nhận nhiều trường hợp xe máy lưu thông vào làn dành cho ô tô trên cầu Sài Gòn trong thời gian qua.

Với điểm đen trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn qua huyện Bình Chánh, thời gian qua cơ quan chức năng ghi nhận nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra. Trong đó có một phần nguyên nhân liên quan đến công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này.

Ghi nhận điểm đen thuộc giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1) cho thấy: Khu vực đường Tôn Đức Thắng dưới chân cầu Khánh Hội là tuyến có lưu lượng xe cơ giới, xe tải, xe máy chạy lưu thông thường xuyên với mật độ dày đặc. Mặt khác, đường Tôn Đức Thắng cũng chắn ngang phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Bạch Đằng nên ngoài ô tô, xe tải, xe máy còn có một lượng người đi bộ thường xuyên băng qua đường để vào công viên và ngược lại. Theo đó, khu vực này tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho hay điển hình hồi đầu năm, tại giao lộ này một xe máy va quẹt với xe tải làm nam thanh niên điều khiển xe máy tử vong.

Theo đó, quận 1 cũng kiến nghị Sở GTVT nghiên cứu và sớm đưa ra phương án kết nối khu vực trên bằng cầu vượt cho người đi bộ hoặc hầm đi bộ băng ngang tuyến đường Tôn Đức Thắng tại khu vực không gian giữa đường Nguyễn Huệ và Hàm Nghi.

Tai nạn giao thông trên cầu Sài Gòn do xe máy lưu thông vào làn ô tô. Ảnh: HT

Xử lý điểm đen

Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Phúc Dũng cho hay: Việc hình thành điểm đen TNGT có nhiều nguyên nhân. Ngoài các yếu tố khách quan thì một trong những nguyên nhân chủ quan là do ý thức người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. “Ngay khi có điểm đen, Sở cũng tiến hành rà soát các điều kiện về hạ tầng, biển báo và đèn tín hiệu tại các khu vực này” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, thông thường thì một nơi được xem là điểm đen TNGT khi hay xảy ra tai nạn, có khi dẫn đến chết người. Khi đó Sở đưa danh sách các điểm này vào danh mục điểm đen và rà soát các phương án khắc phục.

Về phương án xử lý điểm đen TNGT, ông Trần Quang Lâm đưa ra giải pháp: “Một trong những nhiệm vụ của Sở GTVT trong thời gian tới là tập trung rà soát hạ tầng giao thông hiện hữu, các nút giao, các biển báo… để đảm bảo an toàn giao thông”.

Sở GTVT khẳng định sẽ tiến hành các giải pháp kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông. Lắp đặt hệ thống cọc tiêu nhựa nhằm tách làn xe hai bánh và làn ô tô, cùng lúc cải tạo kích thước hình học tại nút giao thông, tạo gờ giảm tốc, lắp biển báo đi chậm, điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép...

16 điểm đen tai nạn giao thông khác

Khu vực chân cầu Phú Mỹ, phía quận 2; nút giao thông Mỹ Thủy; chân cầu Kênh Tẻ, phía quận 4; giao lộ Đỗ Xuân Hợp - đường số 1, phường Phước Bình, quận 9; đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ trụ điện NDT/T170C đến trụ điện T173C, phường Phú Hữu, quận 9.

Khu vực vòng xoay An Sương; quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Trần Đại Nghĩa, phường An Lạc, quận Bình Tân; đường Ba Tháng Hai, đoạn từ số nhà 15 đến số nhà 25, phường 11, quận 10; đoạn giao quốc lộ 1 và đường Nguyễn Hữu Trí, huyện Bình Chánh; giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu, quận Bình Tân và nút giao bốn nhánh cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5; đường Hoàng Sa, đoạn từ số nhà 276 đến số nhà 279, phường Tân Định, quận 1.

10 tháng đầu năm 2018, trên toàn tuyến Nguyễn Văn Linh xảy ra 28 vụ TNGT (cao nhất TP), làm chết 24 người và bị thương ba người; so với cùng kỳ năm 2017, tăng 13 vụ (86,67%), tăng 10 người chết (71,43%). Riêng đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh chiếm 18,9% số vụ, 16,8% số người chết và 22,22% người bị thương so với cả huyện.

Trong hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 và phát động thực hiện năm an toàn giao thông 2019 trên địa bàn TP, Ban An toàn giao thông TP cũng kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo chuyển giao toàn bộ công tác duy tu, bảo dưỡng dọc tuyến Nguyễn Văn Linh cho Sở GTVT để thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với công tác này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới