TP.HCM sẽ huy động 25 tỉ USD làm metro trong 4-5 năm tới

(PLO)- Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết để hoàn thành hơn 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới thì TP.HCM cần huy động khoảng 25 tỉ USD trong 5 năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 31-7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR), Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”.

Tọa đàm này là cơ sở để khẩn trương triển khai thực hiện mục tiêu tại Kết luận 49–KL/TW của Bộ Chính trị là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại TP vào năm 2035.

Tọa đàm có sự tham gia của 70 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến thảo luận về các nội dung như công tác quy hoạch, thu hồi đất và GPMB cho toàn bộ hệ thống ĐSĐT.

TP.HCM cần huy động khoảng 25 tỉ USD để làm hơn 220 km đường sắt đô thị. Ảnh: MAUR

TP.HCM cần huy động khoảng 25 tỉ USD để làm hơn 220 km đường sắt đô thị. Ảnh: MAUR

Tại buổi tọa đàm, các đơn vị, chuyên gia đầu ngành đã góp ý về những khó khăn, thách thức của ĐSĐT TP hiện nay và cơ hội từ Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Đồng thời, đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm TP cần làm để thực hiện được hơn 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới.

Buổi tọa đàm chủ yếu tập trung trao đổi thảo luận theo 5 nội dung: Quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Nguồn lực tài chính; Thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; Tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; Mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

MAUR cũng thừa nhận thời gian qua đầu tư ĐSĐT tại TP.HCM chậm, gần 20 năm cho 20 km ĐSĐT. Vì vậy, tọa đàm sẽ khai thác sâu hơn về Nghị quyết 98, những cơ hội mới để triển khai có hiệu quả hơn 200 km ĐSĐT.

Tọa đàm cũng đã đưa ra kế hoạch triển khai xây dựng các tuyến ĐSĐT theo mô hình TOD - đây là giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lực tài chính vô cùng lớn thông qua việc khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT. Đồng thời, góp phần chỉnh trang toàn bộ cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng đề ra các giải pháp khác như việc phát hành trái phiếu, vay thương mại để bổ sung cho nguồn vốn hỗ trợ cho công tác xây dựng và vận hành hệ thống metro.

Các vấn đề nóng được đại biểu thảo luận như công tác quy hoạch, thu hồi đất và GPMB cho toàn bộ hệ thống ĐSĐT. Đặc biệt là việc thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỉ USD phải được hoàn thành trong vòng 4-5 năm, chậm nhất vào năm 2028.

Song song đó, TP cần thực hiện thu hồi đất dự án đồng thời với đất quy hoạch TOD, thực hiện bồi thường, thu hồi đất ngay khi dự án được phê duyệt quy hoạch.

Các giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị phải được hoàn thành trong vòng 7-8 năm, phương án tổ chức thi công, phương án cung cấp vật tư thiết bị hoàn toàn mới... cũng được MAUR và các chuyên gia bình luận.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thống nhất TP.HCM cần phải tiếp tục tổ chức các phiên tọa đàm khác để lấy thêm nhiều ý kiến phản biện từ chuyên gia trong và ngoài nước. Đồng thời, cần rút ra các bài học kinh nghiệm phát triển ĐSĐT của các TP trong khu vực cũng như lắng nghe những ý kiến nguyện vọng của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm