Sáng 18-7, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các đại biểu đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
Cần cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ
Theo ông Dũng, vừa qua, các tỉnh, thành đã triển khai rất tốt sự điều phối để thực hiện dự án đường Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Sắp tới tiếp tục triển khai đường Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa với chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Đồng thời, tập trung triển khai hoàn thành Sân bay Long Thành để có thể đưa vào khai thác theo đúng tiến độ và phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan nhằm hình thành một nền kinh tế xung quanh đô thị sân bay này.
Trong tương lai, TP.HCM cũng cần phối hợp với các địa phương phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các địa phương trong vùng nhất là nghiên cứu phát triển ngay đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành - Thủ Thiêm hay là Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bộ trưởng KH&ĐT cũng nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ cần giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn cùng với việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng. Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, giảm số lượng xe gắn máy cùng với cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa cải thiện môi trường không khí tại các đô thị lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù của Vùng Đông Nam bộ, trong đó cần nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành công Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Về các giải pháp huy động vốn đầu tư, ông cho biết cần nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Đồng thời, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.
“Đối với TP.HCM, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép TP vay một khoản đủ lớn khoảng trên dưới 20 tỉ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, việc này sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian TP bằng cách kéo dài đường sắt TP.HCM sang các địa phương lận cận trong vùng nhằm thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của TP.
Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TP và góp phần quan trọng để để phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng được không gian ngầm và phát triển được các mô hình TOD dọc các tuyến đường sắt đô thị này.
Cần 738.500 tỉ đồng đầu tư giao thông vùng Đông Nam Bộ
Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết thời gian qua Bộ đã ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư khoảng 342.000 tỉ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 có nhu cầu khoảng 396.500 tỉ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.
Bộ GTVT đang đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2. Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, cảng hàng không Biên Hòa.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kỳ vọng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ đem lại kết quả tích cực cho TP và lan tỏa đến các địa phương trong vùng.
Do đó, ông đề nghị nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98.
Làm sao từ Tây Ninh, Bình Phước đi TP.HCM chỉ mất 1 giờ
Trao đổi lại ý kiến của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, với vai trò chủ trì hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết người dân mơ ước một trung tâm đô thị không bị kẹt xe, ùn tắc.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
“Muốn vậy đường bộ phải như thế nào, đường thuỷ như thế nào, đường sắt đô thị ra sao để làm thông thoáng trung tâm đô thị của vùng này, đó là mơ ước của người dân dân và tất cả chúng ta” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Ông cho biết người dân mơ ước làm sao đi từ tỉnh Bình Phước về TP.HCM chỉ mất hơn tiếng đồng hồ với hơn 150 km và đi từ Tây Ninh về TP.HCM chỉ mất dưới một tiếng đồng hồ với 100 km.
“Nếu có đường sá thông thoáng, người dân có thể sáng đi chiều về, đi học, trị bệnh, du lịch cuối tuần thuận lợi” – Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Ông cho biết hiện nay nhiều người nói từ Bình Phước, Tây Ninh về TP.HCM khó khăn vì đi họp thì ngồi trên xe nhiều hơn bàn công việc. Người dân cũng mơ làm sao các doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy mọi thứ thuận lợi, để chuyện xúc tiến đầu tư là cần thiết. Qua đó, ông đề nghị cần phải có bộ cơ chế, chính sách cho việc này.