Ngày 2-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa xây dựng xong dự thảo “Bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khoẻ của địa phương”.
Đây là cách đánh giá theo kết quả đầu ra của công tác chăm sóc sức khoẻ người dân theo địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức. Cách này sẽ giúp lãnh đạo địa phương phát huy những mặt tích cực, đồng thời nhận diện ra những vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn.
Một số tiêu chí trong bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khoẻ của địa phương. Ảnh: SYT |
Bảng điểm đánh giá kết quả hoạt động y tế theo địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức được thiết kế thành 8 nhóm với 30 tiêu chí thành phần đánh giá chi tiết, thang điểm 100.
Trong bảng đánh giá, các điểm trừ được nêu rải đều ở các nhóm tiêu chí. Nếu địa phương không phát hiện kịp thời cơ sở tư nhân hoạt động không phép sẽ bị trừ 4 điểm.
Đặc biệt, nếu địa phương có phòng khám bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hoạt động lén lút hay người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề cũng có thể bị trừ mỗi tiêu chí 4 điểm.
Một cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: SYT |
Ngoài ra, nếu địa phương có ca tử vong do tay chân miệng hoặc sốt xuất huyết hay có xuất hiện ổ dịch liên quan đến bệnh nhưng địa phương không biết và không xử lý hiệu quả cũng sẽ bị trừ điểm (mỗi tiêu chí trừ 2 điểm).
Nếu địa phương đạt từ 90 điểm trở lên sẽ được đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc; từ 75 đến dưới 90 điểm là hoàn thành tốt; từ 50 điểm đến dưới 75 điểm đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Nếu bị đánh giá dưới 50 điểm xem như không hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Theo Sở Y tế, kết quả chăm sóc sức khoẻ người dân theo địa bàn là sự phản ánh khách quan về sự nỗ lực và phối hợp hoạt động giữa các đơn vị y tế trực thuộc UBND quận, huyện (phòng y tế, trung tâm y tế, trạm y tế phường xã) với sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp từ UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế sẽ điều chỉnh, bổ sung và báo cáo UBND TP.HCM cho phép áp dụng đánh giá hàng năm, có sơ kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện công cụ đánh giá, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân.