TP.HCM: Sở, ngành chậm trả lời tức là 'đồng ý'

(PLO)- Theo quy chế làm việc của UBND TP.HCM, trong công tác phối hợp giữa người đứng đầu các sở, ngành TP, nếu quá thời hạn mà không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là 'đồng ý' và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước chủ tịch UBND TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế làm việc của UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Đáng chú ý, quy chế quy định rõ các vấn đề có liên quan đến công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc UBND TP.HCM (sở, ban, ngành TP) với nhau và với chính quyền địa phương (quận, huyện, TP Thủ Đức).

TP.HCM ban hành quy chế làm việc, sở, ngành chậm trả lời tức là 'đồng ý'-so-nganh-cham-tra-loi
Cán bộ TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo đó, quy chế đã quy định quan hệ công tác của người đứng đầu sở, ngành TP với nhau. Cụ thể, người đứng đầu sở, ngành TP khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khác phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với người đứng đầu đơn vị đó.

Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì đơn vị lấy ý kiến ghi rõ thời hạn trả lời nhưng không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản, trừ trường hợp công việc có tính chất quan trọng, phức tạp.

Người đứng đầu đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, đúng thời hạn về những nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của đơn vị mình và những vấn đề liên quan khác.

Nếu quá thời hạn mà không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của đơn vị lấy ý kiến và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND TP, chủ tịch UBND TP.

Đơn vị lấy ý kiến tổng hợp, báo cáo chủ tịch UBND TP về trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị không trả lời hoặc chậm trả lời.

Khi được mời họp để lấy ý kiến, người đứng đầu đơn vị dự họp nếu có lý do chính đáng không dự được thì phải cử người có đủ thẩm quyền họp thay. Ý kiến của người họp thay là ý kiến chính thức của đơn vị.

Trong mối quan hệ công tác giữa người đứng đầu sở, ngành TP với chính quyền địa phương, quy chế nêu rõ: người đứng đầu sở, ngành TP có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của HĐND TP Thủ Đức, các huyện, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện trong thời hạn bảy ngày làm việc.

Trường hợp phải lấy thêm ý kiến của đơn vị khác thì không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, trừ trường hợp đột xuất, cấp bách thì phải trả lời sớm hơn theo đề nghị.

Trường hợp sở, ngành được đề nghị mà không giải quyết đúng thời hạn thì Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện báo cáo chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách.

“Người đứng đầu đơn vị được đề nghị phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ giải quyết các kiến nghị của địa phương” – quy chế nêu rõ.

Trước đó, tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện có cải thiện nhưng chưa nhiều, chưa lớn, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ quan điểm, chính kiến.

“Sở, ngành, quận, huyện chúng ta là người chủ trì, người trình nhưng không làm rõ được ý kiến thì ai làm rõ cho chúng ta” - ông Mãi nói và đề nghị việc hỏi, việc trả lời câu hỏi phải rõ ràng, đảm bảo tiến độ.

Trong quá trình thực hiện phối hợp, người chủ trì phải rất rõ việc, muốn ai tham gia ý kiến thế nào, khi nào xong phải theo dõi tiến độ, vướng mắc và báo cáo UBND TP. Còn các cơ quan phối hợp phải trả lời rõ ý kiến khi được hỏi, đảm bảo thời gian.

Theo ông Phan Văn Mãi, UBND TP sẽ rà soát, không phải việc gì cũng lấy ý kiến tất cả cơ quan nhưng việc nào thuộc thẩm quyền của UBND TP thì thành viên của UBND TP phải có ý kiến.

“Chúng ta biết tới đâu thì góp ý tới đó, chúng ta hãy nghiên cứu chứ không thể nói không biết lĩnh vực này nên không có ý kiến” - ông Mãi khẳng định và đề nghị hằng tháng có tổng hợp, công bố rộng rãi các cơ quan trễ hạn.

Thể hiện rõ quan điểm, chính kiến trong các phiên họp

Theo quy chế, các Ủy viên UBND TP.HCM phải có trách nhiệm tham dự đầy đủ, chuẩn bị kỹ, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, trách nhiệm của mình trong các phiên họp của UBND TP, cuộc họp Thường trực UBND TP; thảo luận, biểu quyết tại phiên họp UBND TP; ghi rõ, đầy đủ ý kiến trong phiếu ghi ý kiến thành viên UBND TP và trả lời đúng thời hạn quy định.

Chủ động chủ trì họp với các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết công việc được phân công theo thẩm quyền hoặc thảo luận, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị, địa phương trước khi trình UBND TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm