Sau 2,5 ngày làm việc, kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc vào ngày 8-7. Tại kỳ họp, các đại biểu tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết, trong đó có bốn nghị quyết về chế độ, cơ chế, chính sách xã hội - y tế - giáo dục; ba nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; 22 nghị quyết về chủ trương triển khai dự án và 11 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: THANH TUYỀN |
Đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua 40 quyết sách quan trọng tại kỳ họp lần này. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%
Tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP.HCM sáu tháng cuối năm. Trong đó, TP tập trung nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm.
TP sẽ sớm triển khai các chính sách, chế độ hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại phường, xã, thị trấn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, TP.HCM phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên 95%.
Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu UBND TP tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, xung đột pháp lý về thủ tục giao đất.
HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương của TP, thống nhất bố trí nguồn dự phòng từ vốn cân đối ngân sách hơn 6.050 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công năm 2022.
TP bố trí 120 tỉ đồng để chuẩn bị đầu tư cho dự án xây dựng đường vành đai 3; sẽ bố trí cho dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài 3 tỉ đồng, 2 tỉ đồng cho dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
HĐND TP sẽ lập đoàn giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đoàn sẽ giám sát các sở, ngành, các ban quản lý dự án đầu tư cấp TP và các địa phương, thực hiện đến hết tháng 4-2023.
Thông qua nghị quyết tăng vốn 16 dự án
Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM thông qua 16 nghị quyết về điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện đối với 16 dự án cầu đường, trường học. Tổng mức đầu tư của 16 dự án được điều chỉnh tăng lên hơn 6.000 tỉ đồng. Đó là các dự án như cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), cầu Phước Long (quận 7, huyện Nhà Bè), Trung tâm Y tế quận 8, Trường Mầm non Vĩnh Lộc A… Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh các dự án là những vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Xử lý các nút thắt về đất đai
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá các nghị quyết được thông qua có vai trò quan trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ yêu cầu trong sáu tháng còn lại, UBND TP tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải quyết những xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá bồi thường thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng tốc triển khai thực hiện dự án, nhất là dự án đã có chủ trương và chủ trương điều chỉnh đảm bảo tiến độ. Tập trung triển khai các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Xây dựng thương hiệu TP.HCM theo chỉ số đô thị thông minh
Tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, quy hoạch không gian ngầm đô thị.
“TP phải xem đây là khâu quan trọng, có tính đột phá, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn” - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
TP cần đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt hơn trong quản trị nhằm góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho TP theo các chỉ số đô thị thông minh, TP toàn cầu của các tổ chức quốc tế đang đánh giá.
Chủ tịch HĐND TP cũng lưu ý TP phải đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân. HĐND TP sẽ tập trung giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2025 của UBND TP trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND TP tin tưởng lãnh đạo TP sẽ nỗ lực hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của TP trong năm 2022. Đây sẽ là tiền đề cho năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025.•
HĐND TP Hà Nội, Cần Thơ: Nhiều biện pháp mạnh chấn chỉnh xây dựng, giải ngân vốn
• Sáng 8-7, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng tại 12 quận thuộc TP (trừ 17 huyện và thị xã Sơn Tây).
Nghị quyết nêu rõ một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn 12 quận nội thành của các tổ chức sẽ bị áp dụng mức phạt tiền bằng hai lần so với mức phạt tiền quy định tại Nghị định 16/2022 NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mức phạt này được khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô cho phép. HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.
UBND TP Hà Nội cho rằng việc quy định và áp dụng mức xử phạt cao hơn trong lĩnh vực xây dựng tại các quận nội thành có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự trên địa bàn.
• Chiều 8-7, trong phiên họp cuối cùng của kỳ họp thứ sáu HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã giải trình một số nội dung thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đến nay TP Cần Thơ đã chi hơn 1.323 tỉ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Về giải ngân vốn xây dựng cơ bản, ông Trường cho biết trong nhiều năm qua dù TP đã có nhiều biện pháp nhưng việc giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Theo ông Trường, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của TP. Tính đến nay, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 22,6% kế hoạch vốn, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước (27,86%).
“UBND TP xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về việc giải ngân chậm này. Trong sáu tháng cuối năm, UBND TP sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân” - ông Trường nói và khẳng định TP sẽ không để tình trạng chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển của TP.
T.PHÚ - N.NAM