Chiều 11-8, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng GD&ĐT TP, đã thông tin về tình hình chuẩn bị năm học mới 2022-2023.
|
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA |
Theo ông Minh, năm học 2022-2023, dự kiến toàn TP tăng 21.800 học sinh (gồm hơn 15.000 học sinh công lập). Do đó, dẫn đến ảnh hưởng cho việc chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực về thầy cô giáo phục vụ cho tổ chức dạy học.
Ông Minh cho biết việc tăng cơ học về số học sinh diễn ra nhiều ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn và Bình Chánh bởi các địa phương này có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu công nghiệp.
Năm 2021-2022, TP.HCM có hơn 343.800 học sinh không có hộ khẩu TP, cũng làm tăng áp lực sĩ số về số học sinh/lớp.
Liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên cho năm 2022-2023, ông Hồ Tấn Minh cho biết nhu cầu của ngành mầm non là 892 người, tiểu học là 2.355 người, THCS là 1.698 người và THPT là 296 người.
Trong đó, về tuyển dụng cho cấp giáo dục phổ thông sẽ do Sở GD&ĐT TP thực hiện tuyển viên chức, còn các cấp học khác do Phòng GD&ĐT tuyển dụng và hiện đang trong giai đoạn thực hiện.
Tuy nhiên để triển khai cho chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, thì việc tuyển dụng giáo viên cho một số môn học tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Theo Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP, TP hiện thiếu nhiều giáo viên Tiếng Anh và Tin học.
Ông Hồ Tấn Minh thông tin khi đào tạo nguồn giáo viên này, thông thường giáo viên sẽ lựa chọn đi làm việc bên ngoài nhiều hơn thay vì đi dạy học, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là ở các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Về giải pháp đối với việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học, ông Minh cho hay Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn để thực hiện nhiệm vụ.
Sở cũng dành nhiều đợt tuyển dụng viên chức, trong đó nhấn mạnh hai môn học này. Đồng thời đặt hàng giáo viên theo khu vực, chẳng hạn huyện Bình Chánh thiếu giáo viên thì Sở sẽ phối hợp với các trường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này về phục vụ cho huyện Bình Chánh…
Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Minh cho biết có nhóm môn nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Tuy nhiên, trước đây ở các trường sư phạm lại không mặn mà đào tạo lĩnh vực này, do đó một số giáo viên có chuyên môn nghệ thuật thì lại vướng điều kiện về nghiệp vụ sư phạm.
Hiện Sở GD&ĐT đang phối hợp với Đại học Sư phạm TP, Đại học Sài Gòn và một số trường khác để “đặt hàng” nguồn giáo viên đảm bảo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho nghệ sĩ, nghệ nhân.