Các môn toán, ngoại ngữ, vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân soạn theo hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn. Trong đó, toán, và ngoại ngữ gồm 50 câu. Các môn còn lại là 40 câu.
Đó là một trong những nội dung hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM về kiểm tra học kỳ I cấp THPT năm học 2016-2017.
Theo đó, học sinh (HS) sẽ bắt đầu kiểm tra học kỳ I từ ngày 10-12 đến ngày 23-12. Sở yêu cầu các trường ra đề và tổ chức kiểm tra chung ở các khối lớp cho các môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh học. Các môn học còn lại, có thể tổ chức kiểm tra tại lớp.
Theo hướng dẫn này, khối 12, với các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ: mỗi môn biên soạn một đề kiểm tra chung cho toàn khối. Các môn còn lại về khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hoá học, sinh học), nhà trường có thể chọn một trong hai phương án hoặc là mỗi môn biên soạn một đề kiểm tra chung cho toàn khối hoặc là mỗi môn biên soạn thành hai đề A và B.
Mỗi đề có 60% phần cơ bản giống nhau, còn lại là phần phân hóa khác nhau, trong đó đề A có mức độ phân hóa thấp, đề B có mức độ phân hóa cao hơn. Các trường cho HS đăng ký và sắp xếp cho các em dự kiểm tra thành hai nhóm (nhóm môn KHXH theo đề A, KHTN theo đề B hoặc ngược lại)
Với khối 10 và 11, ở những môn học mà toàn trường chỉ giảng dạy theo một chương trình chuẩn hoặc nâng cao thì biên soạn một đề kiểm tra chung cho toàn khối. Với môn học mà nhà trường có cả HS theo chương trình chuẩn và HS theo chương trình nâng cao thì biên soạn một đề kiểm tra có hai phần: phần chung bắt buộc và phần riêng tự chọn cho hai chương trình. Tỉ lệ điểm giữa phần chung và phần riêng của từng môn do nhà trường quy định. Các môn đều kiểm tra theo hình thức tự luận.