VỀ BÀI "ĐỪNG VỘI BÁC NGUỒN CHỨNG CỨ BỊ CÁO CUNG CẤP":

Trách nhiệm thuộc về cơ quan tố tụng

Với trách nhiệm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, các cơ quan tố tụng phải làm sáng tỏ tài liệu, đồ vật do người tham gia tố tụng, luật sư cung cấp.

Theo Điều 64 BLTTHS 2003, chứng cứ được xác định bằng vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Đó là nguồn chứng cứ

Như vậy, một trong những loại nguồn dùng để xác định chứng cứ là “các tài liệu, đồ vật khác”. Cụ thể, đó là những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trong trường hợp “các tài liệu, đồ vật khác” được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội thì được coi là vật chứng.

Việc coi “các tài liệu, đồ vật khác” là chứng cứ hay không phụ thuộc vào ý chí của những người tiến hành tố tụng. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD

Các “tài liệu, đồ vật khác” có thể được coi là chứng cứ, có nghĩa là nó dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Tuy nhiên, việc coi “các tài liệu, đồ vật khác” là chứng cứ hay không lại phụ thuộc vào ý chí của những người tiến hành tố tụng bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ có quyền cung cấp chứ không có quyền thu thập chứng cứ.

Điều 65 BLTTHS 2003 quy định cơ quan điều tra, VKS và tòa án có quyền thu thập chứng cứ, những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Bổ sung luật để gỡ vướng

Vấn đề đặt ra là trách nhiệm làm sáng tỏ “các tài liệu, đồ vật khác” do người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp như thế nào? Nếu xét về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Theo đó, cơ quan điều tra, VKS, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Như vậy, trách nhiệm phải làm sáng tỏ “các tài liệu, đồ vật khác” này thuộc về các cơ quan tố tụng.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là pháp luật chưa quy định cụ thể việc các cơ quan tiến hành tố tụng không coi “các tài liệu, đồ vật khác” là chứng cứ bằng thủ tục nào. Do đó, khi cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật mà không được chấp nhận là chứng cứ thì họ không biết được lý do vì sao. Từ đó dẫn đến nhiều tranh cãi là ai có trách nhiệm trong việc kiểm tra làm rõ “các tài liệu, đồ vật” do cá nhân, tổ chức cung cấp? Việc coi là chứng cứ hay không phải được lý giải như thế nào?

Đây là những vấn đề mà theo tôi, BLTTHS cần phải quy định cụ thể hơn để tạo cơ chế cho người tham gia tố tụng tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, góp phần làm rõ sự thật của vụ án, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

TS VÕ THỊ KIM OANH, Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Vì sự thật, đừng ngại trách nhiệm!

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30-6 có bài "Đừng vội bác nguồn chứng cứ bị cáo cung cấp", phản ánh thực trạng trong rất nhiều vụ án, nghi can và luật sư cung cấp tài liệu, đồ vật để chứng minh nghi can bị oan, bị xử lý chưa đúng thì cơ quan tố tụng từ chối xem xét ngay từ đầu. Lý do mà cơ quan tố tụng thường đưa ra là đó không phải là chứng cứ vì không được cơ quan tố tụng thu thập theo trình tự, thủ tục luật định.

Thực trạng này dẫn đến một nghịch lý là trong khi BLTTHS quy định người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án thì cơ quan tố tụng lại thường dễ dàng từ chối, bỏ qua không xem xét. Như vậy, ý nghĩa của việc người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án theo luật đã bị vô hiệu hóa. Đã có những vụ án vì sự hời hợt này mà sau đó cơ quan tố tụng đã làm oan, làm sai khi bỏ qua cơ hội xác định sự thật.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các cơ quan tố tụng phải thật sự có trách nhiệm với tài liệu, đồ vật do người tham gia tố tụng, luật sư cung cấp để làm rõ sự thật, tránh làm oan hay bỏ lọt tội phạm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm