Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân ở khu tái định cư Mỹ Thạnh An (ấp An Thuận, xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết các hộ dân không đồng tình việc xây dựng cột ăng-ten trạm phát sóng thông tin di động (BTS) trong khu dân cư. Lý do là việc xây dựng này có tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu dân cư.
Theo các hộ dân, khoảng một tháng trước, tại ngôi nhà số 17, đường số 4 trong khu tái định cư có bảng hiệu Công ty NP xuất hiện một cột ăng-ten phát sóng trên nóc nhà này.
Ông Lê Thanh Nghĩa, tổ trưởng tổ 23, ấp An Thuận, cho biết trước đó người dân phát hiện có người lắp cột ăng-ten thu phát sóng trên nóc nhà số 17, ngay lúc đó người dân đã đến phản đối. “Tuy nhiên, dân phản đối ban ngày thì họ lại tiến hành xây ban đêm. Đến sáng hôm sau đã thấy trên nóc nhà xuất hiện cột ăng-ten cao vút” - ông Nghĩa nói.
Cạnh đó, tại nhà của ông HTH ở đường số 2, ấp An Thuận cũng đã tập kết thiết bị để chuẩn bị lắp trụ ăng-ten thu phát sóng trên nóc nhà của hộ này.
Ông Phan Hữu Đức, người dân khu tái định cư Mỹ Thạnh An, lo lắng: “Cột ăng-ten được xây dựng trên nóc nhà, diện tích nhỏ, có nguy cơ không an toàn trong khu dân cư. Nếu có giông bão làm gãy đổ cột ăng-ten gây thiệt hại tài sản, con người thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?”.
Trao đổi với PV, ông Hồ Phước Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Bến Tre, cho biết qua phản ánh của người dân, ngày 11-12, phòng đã tiến hành kiểm tra công trình cột ăng-ten trạm BTS của Công ty NP và hộ gia đình ông HTH.
Qua kiểm tra, đại diện Công ty NP chỉ xuất trình được giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến nhưng không có giấy phép xây dựng của UBND TP Bến Tre, phòng đã lập biên bản vi phạm.
Đồng thời qua kiểm tra, hộ ông HTH chỉ xuất trình được công văn chấp thuận tọa độ vị trí xây dựng trạm BTS của Sở TT&TT tỉnh Bến Tre. Phòng cũng đã thông báo hộ ông HTH ngưng ngay việc xây dựng cột ăng-ten trạm BTS trong khu dân cư do chưa có giấy phép xây dựng của UBND TP Bến Tre.
“Sắp tới, căn cứ theo quy định và biên bản vi phạm, Phòng Quản lý đô thị TP Bến Tre sẽ xem xét xử lý trạm hiện hữu không phép của Công ty NP” - ông Hưng cho biết.
Cột ăng-ten trạm phát sóng BTS chưa được cấp phép xây dựng trong khu tái định cư Mỹ Thạnh An. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cũng theo ông Hưng, hiện Công ty NP đã nộp hồ sơ xin được cấp phép lắp đặt trạm phát sóng BTS trên nóc nhà của trụ sở công ty này. Sau khi xử phạt vi phạm hành chính xong, Phòng Quản lý đô thị TP Bến Tre sẽ xem xét thủ tục xin cấp phép của công ty. Theo Thông tư liên tịch số 15/2016 của Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng, việc xây dựng cột ăng-ten phải nêu được địa điểm, loại cột, chiều cao cột…
Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Đạt, Giám đốc Công ty NP, cho biết trước khi xây dựng cột ăng-ten trạm phát sóng BTS trên nóc nhà, ông có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến của Trung tâm tần số khu vực 2, TP.HCM. Ông nghĩ rằng có giấy phép này là được xây dựng, chứ không biết là khi xây dựng trạm phát sóng phải xin giấy phép xây dựng của Phòng Quản lý đô thị TP Bến Tre.
“Sau khi bị UBND xã Mỹ Thạnh An, Phòng Quản lý đô thị TP Bến Tre kiểm tra, tôi mới biết là xây dựng trạm phát sóng BTS cần phải xin giấy phép xây dựng” - ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bến Tre, cho biết việc Sở TT&TT chấp thuận vị trí tọa độ xây dựng trạm BTS đó chỉ là điều kiện. Ngoài điều kiện này, các đơn vị, tổ chức, cá nhân muốn lắp đặt công trình cột ăng-ten trạm BTS nằm trong khu vực phải xin cấp phép của chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan nơi đặt trạm.
(PLO)- Sáng 5-12, rất đông người dân đưa khoảng 30 xe ô tô ra dừng, chặn đầu cầu Bến Thủy 1 (phía huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) rồi kéo ra Trạm thu phí Bến Thủy (phía TP Vinh, Nghệ An) để đối thoại, yêu cầu "thu phí đúng luật".