Từ sáng sớm, nhiều người dân đi xe ô tô và xe máy, cả đi bộ từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ra dừng xe, đứng trên quốc lộ - đầu cầu Bến Thủy 1 (bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Sau đó, nhiều người và xe ô tô tiếp tục mang băng rôn ra dừng xe đầu cầu Bến Thủy 1, khiến giao thông ách tắc. Trạm thu phí đặt đầu cầu Bến Thủy 1 (phía tỉnh Nghệ An) tê liệt hoàn toàn.
Rất đông người dân đứng bao vây đầu cầu Bến Thủy 1 (phía huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Trước tình hình trên, Trạm Công an Gia Lách, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Công an TP Vinh (Nghệ An) điều động lực lượng CSGT và cảnh sát ra bảo vệ trật tự, phân luồng, điều tiết giao thông.
CSGT đã hướng dẫn người đi đường và các xe Bắc-Nam không vào cầu Bến Thủy 1 mà rẽ hướng qua Trạm thu phí Cầu Bến Thủy 2 mua vé để tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Ái Văn, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân), đưa ô tô ra đứng đầu cầu Bến Thủy nói: "Chúng tôi và người dân qua cầu Bến Thủy 1 là không đi một mét đường BOT nào nhưng phải đóng phí mà đóng rất cao. Xe ô tô của tôi chưa đến 200 triệu đồng, đã mua phí đường bộ, nhưng với giá vé qua cầu Bến Thủy 1 hiện nay, mỗi năm tôi phải mua vé thêm 14 triệu đồng. Chúng tôi chịu không nổi. Chúng tôi yêu cầu Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cứ thu phí cho đúng luật. Ai sử dụng dịch vụ nào trả phí dịch vụ đó, chúng tôi không sử dụng thì không được thu phí (vé) của chúng tôi".
Xe ô tô dừng trên quốc lộ 1A, đầu cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí của xe ô tô của người dân sống hai đầu cầu Bến Thủy 1.
Nhiều người dân bức xúc cho biết: Cầu Bến Thủy 1 do Nhà nước xây dựng và đã hoàn vốn từ năm 2005. Sao lâu nay lại tiếp tục lập trạm thu phí đầu cầu Bến Thủy 1 với mức phí cao như vậy? (phí vé xe ô tô con 40.000 đồng/xe/lượt, vé tháng là 1,2 triệu đồng).
Chị Ng.Th.H (ở huyện Nghi Xuân) nói: "Nửa đêm con chúng tôi bị bệnh, chở con sang TP Vinh khám, cấp cứu, chỉ đi 3 km mà phải mua vé qua cầu Bến Thủy 1 hết 80.000 đồng đi, về".
Đến 10 giờ 30 trưa cùng ngày, dòng người từ phía huyện Nghi Xuân đi qua cầu Bến Thủy 1 rồi bao vây nhà điều hành trạm thu phí yêu cầu được đối thoại.
Tại đây, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (thuộc Tổng Công ty Cienco4), đã đối thoại với nhiều người dân. Có người chất vấn: "Chúng tôi không sử dụng mét đường BOT nào sao bắt chúng tôi trả phí. Thu phí như hiện nay là trái luật và đề nghị công ty thực hiện đúng luật".
Ông Võ Nghệ Sỹ (trái) đối thoại với người dân về việc thu phí BOT.
Một người dân chất vấn: "Trước đây khi Tổng Công ty Cienco 4 chưa đầu tư dự án tuyến Nam cầu Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh và tiểu dự án cầu vượt quốc lộ 8B thì đã thu phí BOT đường tránh TP Vinh. Bao nhiêu năm nay vẫn thu phí BOT và người dân huyện Nghi Xuân phải gánh phí BOT đường tránh TP Vinh, trong khi không đi trên tuyến đường ấy".
Ông Sỹ cho rằng khi người dân qua cầu Bến Thủy 1 không đi trên đường BOT, nhưng khi đi từ huyện Nghi Xuân đi TP Hà Tĩnh thì có đi trên đoạn đường dự án BOT và Bộ GTVT đã cho phép Tổng Công ty Cienco4 đầu tư dự án sửa chữa cầu Bến Thủy 1...
Rất đông người dân đứng bao vây trạm thu phí đầu cầu Bến Thủy 1 và yêu cầu người có trách nhiệm đến đối thoại, trả lời câu hỏi của dân.
Nhiều người đề nghị ông Sỹ trả lời dứt khoát miễn hoặc giảm phí cho xe ô tô của người dân sống gần hai đầu cầu Bến Thủy 1. Tuy nhiên ông Sỹ cho rằng: "Báo cáo với bà con, tôi không trả lời được. Cái gì tôi không trả lời được tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên". Người dân la ó và yêu cầu ông Sỹ không trả lời được thì phải có người có thẩm quyền cao hơn đến đối thoại với người dân cụ thể.
Đến 12 giờ trưa 5-12, người dân mới rời Trạm thu phí Bến Thủy 1 và trở về.
Trước đó, sáng 3 và sáng 4-12, rất đông người dân mang ô tô biển đăng ký ở Hà Tĩnh, Nghệ An kèm băng rôn ra diễu hành và dừng xe đầu cầu Bến Thủy (Hà Tĩnh) phản đối việc thu phí qua cầu, khiến giao thông ách tắc. Người dân xuống xe rồi đi bộ đến trạm thu phí để yêu cầu lãnh đạo cơ quan trả lời những thắc mắc nhưng do lãnh đạo trạm vắng mặt, họ quay trở về vị trí cũ tiếp tục chặn xe.