Trần ai chuyện xin xác nhận độc thân của một phụ nữ 66 tuổi

(PLO)- Một phụ nữ 66 tuổi ở TP.HCM đã được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hai lần nhưng đến lần thứ ba vẫn phải chờ xác minh 20 ngày mới được cấp lại.

Video: Trần ai chuyện xin xác nhận độc thân của một phụ nữ 66 tuổi

Hơn 10 ngày qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, 66 tuổi, ngụ đường Trần Văn Đang (phường 9, quận 3, TP.HCM), trông từng ngày được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (còn gọi là giấy xác nhận độc thân). Bởi nguyện vọng của bà trước khi mất sẽ làm di chúc cho người cháu thay bà thực hiện ý nguyện dùng tài sản của bà lập quỹ giúp đỡ các bệnh nhi khó khăn.

Mệt mỏi với ba lần làm giấy xác nhận độc thân

Bà Hà cho biết từ nhỏ bà được nhập hộ khẩu tại địa chỉ ở phường 9, quận 3, TP.HCM. Đến năm 20 tuổi, bà chuyển hộ khẩu về ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở về nhà ở phường 9, quận 3 sinh sống cho đến nay.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà đang trông ngóng được cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để viết di chúc. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bà Hà thông tin: “Tôi không chồng không con, sống độc thân từ đó đến nay. Vậy mà cứ mỗi lần làm giấy tờ gì liên quan cần đến xác nhận độc thân thì lần nào cũng gặp khó”.

Bà Hà kể: Năm 1999, bà cần làm thủ tục mua nhà nên ra UBND phường 9 xin giấy xác nhận độc thân. Khi tiếp nhận, cán bộ phường bảo trường hợp của bà khó cấp giấy xác nhận bởi có thời gian ở ký túc xá và khoảng thời gian này phường không biết bà đã kết hôn hay chưa. Sau một thời gian chờ, bà cũng được cấp giấy xác nhận nhưng lúc này đã quá hạn nộp hồ sơ xin mua nhà.

Đến năm 2015, bà lại tiếp tục đến UBND phường 9 xin giấy xác nhận độc thân để sang nước ngoài du lịch. Lúc này, cán bộ phường cũng băn khoăn về khoảng thời gian bà ở ký túc xá trường nên chưa cấp ngay mà yêu cầu bà phải viết cam đoan từ năm 1975 đến năm 1981 bà không kết hôn.

“Gần đây nhất, ngày 9-5, tôi ra UBND phường 9 xin giấy xác nhận độc thân làm hồ sơ để lại di chúc gồm tiền và tài sản cho cháu. Thế nhưng cán bộ phường lại hướng dẫn tôi về trường cũ xin xác nhận cư trú và chưa đăng ký kết hôn thì mới cấp giấy xác nhận độc thân cho tôi.

Tôi nói việc xác nhận này quá khó đối với tôi bởi đã 40 năm trôi qua, ai còn nhớ mà xác nhận cho tôi?! Lúc này, cán bộ phường yêu cầu tôi phải chờ” - bà Hà nói.

Bà Hà chia sẻ: “Tôi năm nay đã gần 70 tuổi, trong người lại mang nhiều chứng bệnh, không biết mình ra đi lúc nào. Hiện tôi có một khoản tiền nên di nguyện sau khi mất, đứa cháu sẽ thay tôi lập quỹ giúp đỡ bệnh nhi nghèo. Tôi không có con, còn cháu thì ai cũng có điều kiện nên muốn tiền để dành sẽ giúp được đúng người. Chỉ vì giấy xác nhận độc thân mà tôi chưa thực hiện được di chúc. Tôi rất sợ chẳng may mình mất đi mà chưa kịp lập được di chúc thì di nguyện của mình sẽ không thành sự thật”.

“Tôi đã được UBND phường cấp giấy xác nhận độc thân đến hai lần, vậy mà lần thứ ba cũng phải chờ phường xác minh tiếp. Rất mệt mỏi!” - bà Hà bức xúc.

Phải chờ xác minh theo quy định

Trao đổi với PV, một đại diện UBND phường 9, quận 3 xác nhận: Trường hợp của bà Hà trước đây đã được phường cấp giấy xác nhận độc thân hai lần. Vào ngày 9-5, bà có đến yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân tiếp và phường đang thực hiện.

Trước đây, đối với trường hợp người dân từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau mà không chứng minh được tình trạng hôn nhân của mình thì phường sẽ yêu cầu viết cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình và tiến hành cấp giấy xác nhận độc thân theo yêu cầu.

Tuy nhiên, từ năm 2020, thực hiện theo Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp thì phường phải làm thêm một bước nữa là gửi văn bản xác minh. Nếu sau 20 ngày mà việc xác minh không có kết quả thì bước tiếp theo mới yêu cầu người dân viết cam đoan.

Lãnh đạo một UBND phường tại quận Tân Bình, TP.HCM

Đại diện UBND phường 9, quận 3 cho biết: Theo bà Hà trình bày với phường thì bà cư trú tại phường 9 từ nhỏ đến năm 1975 và nhập khẩu lại từ năm 1981 đến nay. Như vậy, từ lúc bà 18 tuổi đến năm 1975 không xác định nơi cư trú. Vì thế, phường có hướng dẫn bà đến công an phường để xác nhận bà có cư trú tại địa phương vào khoảng thời gian này hay không.

Ngoài ra, để có căn cứ xác định trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến 1981 bà chưa kết hôn tại địa phương cư trú - nơi có ký túc xá trường thì cán bộ phường có hướng dẫn bà về đó để xác nhận. Nếu bà có xác minh của địa phương này thì phường sẽ giải quyết ngay chứ không phải mất thời gian chờ phường đi xác minh.

Phường cũng có giải thích cho bà Hà, nếu bà không cung cấp được những giấy xác nhận trên thì cán bộ phường sẽ phải xác minh.

Nếu trong 20 ngày mà địa phương nơi bà từng cư trú tại ký túc xá trường không phản hồi thì phường sẽ yêu cầu bà viết văn bản cam đoan rồi tiến hành cấp giấy xác nhận độc thân.

Ngoài ra, đối với những lần cấp giấy xác nhận độc thân sau thì phường sẽ cấp ngay mà không phải chờ thời gian xác minh như lần này nữa.•

Chỉ cho người dân viết cam đoan khi đã xác minh mà không có kết quả

Theo quy định tại Nghị định 123/2015 và Thông tư 04/2020 thì trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.Trường hợp người dân không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người dân từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân.

Sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cho phép người yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân viết văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Như vậy, trường hợp của bà Hà, do bà không chứng minh được tình trạng hôn nhân của mình trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến 1981 nên phường gửi công văn xác minh đến UBND cấp xã nơi bà từng đăng ký thường trú trong khoảng thời gian đó để xác minh tình trạng hôn nhân. Nếu nhận được công văn phản hồi thì phường sẽ cấp giấy xác nhận cho bà Hà ngay.

Nếu sau 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì bà Hà mới viết văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân, lúc đó chúng tôi mới cấp giấy được.

Ông TRẦN KHÁNH LINH, Chủ tịch UBND phường 9, quận 3, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới