Theo hãng tin Reuters, Hội đồng Điều phối của phe đối lập Belarus hôm 24-8 cho biết các nhà điều tra nước này đã triệu tập nhà báo-nhà văn Svetlana Alexievich để thẩm vấn về một vụ án hình sự chống lại hội đồng này.
Bà Alexievich, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2015, là thành viên Hội đồng Điều phối do phe chống Tổng thống Alexander Lukashenko thành lập tuần qua sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi ngày 9-8 vốn đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc.
Kết quả chính thức cho thấy ông Lukashenko đã giành được hơn 80% phiếu bầu, trong khi ứng viên tổng thống đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya chỉ giành được khoảng 10% số phiếu. Phe đối lập nói rằng người thực sự thắng cử là bà Tsikhanouskaya, chứ không phải ông Lukashenko.
Nhà báo-nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh: OAN/REUTERS
Liên minh châu Âu và nhiều nước phương Tây không công nhận chiến thắng của ông Lukashenko. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên tiếng kêu gọi ông người đồng cấp Belarus nên tự tin tổ chức bầu cử lại để đánh tan những nghi ngờ.
Hội đồng Điều phối của phe đối lập được thành lập nhằm mục đích thương thảo về một cuộc chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, chính quyền Belarus đã khởi tố một vụ án hình sự chống lại hội đồng này, cáo buộc họ âm mưu chiếm quyền bất hợp pháp.
Bà Alexievich sẽ đến Ủy ban Điều tra Belarus để thẩm vấn vào ngày 26-8, một phát ngôn viên của Hội đồng Điều phối cho biết.
Bà Alexievich (72 tuổi) được cho là đã không tham gia bất kỳ cuộc họp công khai nào của Hội đồng Điều phối. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Belarus, bà này hiếm khi rời khỏi nhà.
Các cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua ở Belarus đã tạo ra thách thức lớn nhất cho ông Lukashenko, người đã cầm quyền 26 năm tại quốc gia này. Hành động triệu tập bà Alexievich để thẩm vấn diễn ra chỉ vài giờ sau khi cảnh sát bắt giữ hai thành viên nổi trội của Hội đồng Điều phối là Sergei Dylevsky và Olga Kovalkova.
Bà Alexievich là nhà văn Belarus đầu tiên nhận giải thưởng Nobel. Các tác phẩm của bà Alexievich mô tả cuộc sống ở Liên Xô trước khi sụp đổ vào năm 1991, cũng như trải nghiệm của người dân trong Thế chiến thứ 2 và thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986.