Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun có thể sẽ sang Nga để thảo luận về tình hình tại Belarus, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 21-8, hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng chuyến thăm Nga của ông Biegun sẽ sớm diễn ra. Washington mong muốn chuyến công tác này sẽ giúp tìm ra giải pháp hòa bình để chấm dứt bất ổn ở Belarus, tránh kịch bản Moscow can thiệp quân sự.
Các nguồn tin này cho biết ông Biegun cũng sẽ đến thăm Lithuania - quốc gia vùng Baltic giáp cả Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad (Nga) và là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khi được hỏi về chuyến thăm của Thứ trưởng Biegun, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "ngay lúc này, chưa có thông báo nào về chuyến thăm".
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Ảnh: CNBC
Một cựu quan chức cấp cao ở Mỹ nói với Reuters rằng "trong vài ngày tới", ông Biegun sẽ rời Washington để tới Moscow và thủ đô Vilnius (Lithuania).
Một nguồn tin khác cho rằng mục đích nhà ngoại giao số 2 của Mỹ đến Nga và Lithuania là ngăn chặn "sự can thiệp của Nga".
"Tôi đoán rằng chính quyền Mỹ đang cố gắng ngăn cản Moscow trực tiếp can thiệp hoặc sử dụng sự ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để khuyến khích ông này tiến hành một cuộc đàn áp bạo lực", nguồn tin nói với Reuters.
Tình hình chính trị-xã hội Belarus xấu đi nhanh chóng sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 9-8. Đương kim Tổng thống Lukashenko đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo hoàn toàn.
Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya cáo buộc cuộc bầu cử là không công bằng. Bà mong muốn một cuộc bầu cử mới và kêu gọi người dân "tiếp tục và mở rộng các cuộc đình công" để phản đối ông Lukashenko.
Bà Tsikhanouskaya đang ở Vilnius. Lý do bà đưa ra cho việc rời tạm lánh ở nước ngoài là né tránh các nỗ lực đàn áp của chính quyền Tổng thống Lukashenko.
Mỹ và EU đều cho rằng cuộc bầu cử ở Belarus có nhiều điểm bất thường. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi ông Lukashenko tham gia đối thoại với phe đối lập dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế và đồng thời, cảnh báo Nga không được can thiệp vào tình hình ở Belarus.
Lithuania cho rằng ông Lukashenko đang đàn áp hàng vạn người biểu tình ở Belarus. Thậm chí, Vilnius còn cáo buộc chính quyền Minsk đang sử dụng các hình thức tra tấn người biểu tình đã bị bắt giữ.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ đang cố gắng thể hiện vai trò lớn trong việc giải quyết bất ổn ở Belarus.
Các cuộc biểu tình ở quốc gia Đông Âu này có thể là động thái phản đối gay gắt nhất đối với chính quyền thân Nga ở Minsk nhưng cũng gây hại cho nỗ lực khai thác sự bất đồng giữa ông Lukashenko và ông Putin. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ đã sang Belarus để đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ song phương, theo Reuters.
Ông Jonathan Katz, một chuyên gia người Mỹ nghiên cứu khu vực Đông Âu, cho rằng vị trí chiến lược của Belarus giáp với các đồng minh của Washington là Ba Lan, Lithuania và Latvia cũng là lý do Mỹ chủ động trong vấn đề này.
Ông Katz cho rằng Washington lo ngại Moscow sẽ hành động quân sự và đang nỗ lực loại bỏ nguy cơ quân đội Nga có thể tiến sát biên giới của các đồng minh NATO.