Tranh cãi chính trị quanh chuyện OPEC+ giảm sản lượng

(PLO)- OPEC+ quyết định giảm sản lượng 2% nguồn cung toàn cầu/ngày, bất chấp tranh cãi từ phương Tây rằng tổ chức này đang thông đồng với Nga đẩy giá dầu cao hơn để bảo đảm nguồn thu cho Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-10, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) họp tại Vienna (Áo) và quyết định sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nguồn cung toàn cầu) so với mức tháng 8 kể từ tháng 11 tới, theo kênh tài chính CNBC. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ năm 2020.

Mức cắt giảm này nằm trong giới hạn cao nhất mà thị trường năng lượng dự đoán trước đó (từ 500.000 đến 2 triệu thùng/ngày). Các nước phụ trách chính hạn ngạch cắt giảm này là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq và Kuwait, theo CNBC.

Sứ mệnh của OPEC là đảm bảo một môi trường định giá phù hợp cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Tuy nhiên, quyết định giảm sản lượng trong môi trường hiện tại đi ngược lại với mục tiêu này… Việc siết chặt hơn nữa nguồn cung vốn đã eo hẹp sẽ là một cái tát vào mặt người tiêu dùng. Nói tóm lại, OPEC+ đang ưu tiên giá trên mức ổn định vào thời điểm thị trường dầu có nhiều bất ổn” - nhà phân tích cấp cao STEPHEN BRENNOCK tại công ty môi giới độc lập xăng dầu PVM Oil Associates (Anh).

Quyết định cắt giảm sản lượng này thể hiện sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của OPEC+. Nhiều tháng gần đây OPEC+ đang trong xu hướng tăng dần sản lượng, sau bước cắt giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19. Ngay sau động thái này của OPEC+ đã xuất hiện tranh cãi.

Mỹ “thất vọng”

OPEC+ ra quyết định cắt giảm sản lượng bất chấp áp lực lặp đi lặp lại từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu nhóm phải bơm thêm dầu ra thị trường để giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới.

Ngay sau khi có thông tin, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết Tổng thống Biden “thất vọng với quyết định thiển cận của OPEC+” cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực liên tục từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo một số quan chức Mỹ và nhiều chuyên gia, một phần lý do khiến Washington muốn giá dầu giảm là nhằm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại nhà quản lý quỹ Bluebay Asset Management (Anh), nhận định Saudi Arabia đang thông đồng với Nga để hạn chế sản xuất dầu và tăng giá dầu quốc tế ngay giữa cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt toàn cầu. Hồi tháng 7, ông Biden có chuyến thăm Saudi Arabia trong nỗ lực thuyết phục OPEC tăng cường sản lượng dầu và kiềm chế giá năng lượng nhưng không đạt được bất kỳ cam kết hợp tác vững chắc nào.

Phía Quốc hội Mỹ cũng xuất hiện ý kiến chỉ trích mạnh động thái của OPEC+. Trao đổi với CNBC, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho rằng kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là một “sai lầm” và đã đến lúc Mỹ phải đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia vốn đang ngày càng căng thẳng khi Riyadh không lên án hành động của Nga ở Ukraine. Ông Murphy đề nghị Mỹ làm áp lực để Saudi Arabia chấp nhận giảm thu từ dầu mỏ để giúp phương Tây giữ được sức mạnh đối phó với Nga.

CNBC cho biết đã liên hệ Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nhưng chưa được phản hồi liên quan ý kiến từ phương Tây.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 33 tại Vienna (Áo) ngày 5-10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 33 tại Vienna (Áo) ngày 5-10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Chuyên gia giải mã quyết định của OPEC

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais bảo vệ quyết định của nhóm về việc cắt giảm sản lượng, nói rằng OPEC+ đang tìm cách cung cấp “an ninh và ổn định cho thị trường năng lượng”.

Thành viên chính của OPEC+ là Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu hơn. Giá dầu đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng 6 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm sản lượng trong tháng 11 là một nỗ lực của OPEC+ để đảo ngược đà trượt giá này, theo CNBC. Saudi Arabia cũng bác ý kiến chỉ trích rằng OPEC thông đồng với Nga để đẩy giá dầu lên cao hơn.

Theo nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo tại Công ty tài chính toàn cầu UBS Wealth Management, “OPEC+ muốn duy trì quyền kiểm soát thị trường, muốn giữ thị trường cân bằng và đảm bảo giữ được những gì họ đã đạt được trong những năm qua”.

Cũng theo ông Staunovo, các biện pháp can thiệp khác nhau của Mỹ đã “gây khó chịu” cho các bên tham gia OPEC, chẳng hạn như “việc giải phóng ồ ạt từ các nguồn dự trữ dầu chiến lược”. Vài tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ xuất tới 10 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược để giao hàng vào tháng 11.

Lần họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 4-12. Các nhà phân tích năng lượng nhận định rất khó để OPEC+ đưa ra quan điểm trong hơn một hoặc hai tháng tới, khi thị trường năng lượng đối mặt với sự không chắc chắn từ các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với một nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC là Nga - bao gồm cả về bảo hiểm vận chuyển, áp giá trần và giảm nhập khẩu xăng dầu.•

Giá dầu tăng sau quyết định của OPEC+

Giá dầu đã giảm từ mức 120 USD/thùng xuống khoảng 90 USD/thùng trong vòng ba tháng qua, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất Mỹ tăng và đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tăng lại. Ngay sau thông báo giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu thô Brent giao sau đã tăng lên 92,82 USD/thùng trong chiều 5-10 tại London, tăng khoảng 1,1%. Giá dầu thô giao sau WTI của Mỹ cũng đã tăng lên 87,37 USD/thùng, cao hơn gần 1%, theo CNBC.

Ông Rohan Reddy - giám đốc nghiên cứu tại nhà cung cấp giao dịch hối đoái Global X ETFs (Mỹ) dự đoán với CNBC rằng với quyết định của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng viễn cảnh trước mắt có khả năng xảy ra là giá dầu sẽ dao động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong khi chờ thị trường tiêu hóa các dữ liệu kinh tế. Về dài hạn hơn, giá dầu lên lại mức 100 USD/thùng - giả định không bùng phát COVID-19 trên toàn cầu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không siết chặt tiền tệ một cách cực đoan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm