Báo Anh The Guardian ngày 5-10 đưa tin Ba Lan cho biết đã đề nghị Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: KYIV POST |
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng có “cơ hội tiềm tàng” để Ba Lan tham gia vào việc “chia sẻ hạt nhân”, theo đó các phi công của nước sở tại được huấn luyện để thực hiện các sứ mệnh mang bom hạt nhân của Mỹ, vốn được cất giữ trên lãnh thổ của họ.
“Chúng tôi đã trao đổi với giới lãnh đạo Mỹ về việc liệu Washington có cân nhắc về một khả năng như vậy hay không. Mọi khả năng vẫn còn để ngỏ” - ông Duda nói trên tờ Gazeta Polska, một tuần san có trụ sở tại Warsaw.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào như vậy từ phía Ba Lan, theo The Guardian. “Chúng tôi không biết vấn đề này đang được nêu ra” - một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Theo tờ báo Anh, việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đến Ba Lan, nếu có, nhiều khả năng sẽ vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Đạo luật Sáng lập Quan hệ Nga - NATO năm 1997 (trong đó, NATO – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – tuyên bố không triển khai vũ khí hạt nhân đến lãnh thổ các quốc gia thành viên mới). Ba Lan trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này vào năm 1999.
Một số chuyên gia hạt nhân nhận định đề xuất của Ba Lan chỉ mang tính biểu tượng và không có ý nghĩa về mặt quân sự cũng như chiến lược đối với quốc gia này và NATO.
Phát biểu của ông Duda được đưa ra sau những thay đổi trong hiến pháp của nước láng giềng Belarus - cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở quốc gia này. Ngoài ra, phát biểu của nhà lãnh đạo Ba Lan xuất hiện vào thời điểm mà nguy cơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đang cao nhất trong 60 năm trở lại đây.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sử dụng mọi cách để bảo vệ người dân và lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng mà Nga vừa xúc tiến thủ tục sáp nhập).
Tuyên bố của khiến Mỹ và phương Tây lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Nhà Trắng cảnh báo “hậu quả thảm khốc” nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tuần trước cho biết, trước bất kỳ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine, NATO sẽ không dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả nhưng phản ứng của khối này sẽ “khốc liệt”.
Theo The Guardian, nếu NATO tấn công trực tiếp vào các mục tiêu quân sự Nga ở Ukraine, biến động lớn sẽ xảy ra. Cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành chiến tranh giữa Nga và NATO. Đây là điều mà các nhà lập chính sách trên thế giới đã cố gắng ngăn chặn gần 80 năm qua.