'Tranh cãi' từ vụ trúng thầu bán gạo Việt giá thấp

(PLO)- Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, sau khi Indonesia công bố giá chào thầu thì đối tác ở các thị trường như Philippines, Malaysia, Châu Phi… đã căn cứ theo giá đó để ép doanh nghiệp Việt Nam hạ giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp hơn nhiều so với các nước cùng tham gia bỏ thầu đã gây ra nhiều ý kiến trong nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Gạo Việt bắt đầu bị ép giá

Hôm 21-5, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia công bố giá chào thầu 300 ngàn tấn gạo loại 5% tấm của vụ mùa 2023-2024. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất.

Cụ thể, mức giá chào thầu thấp nhất của Việt Nam là 564,5 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp Thái Lan chào giá thầu cao nhất tới 658,5 USD/tấn; còn giá chào thầu của các công ty Myanmar và Pakistan là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn...

xuất khẩu gạo...jpg
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, sau khi Indonesia công bố giá chào thầu thì đối tác ở các thị trường như Philippines, Malaysia, Châu Phi… đã căn cứ theo giá đó để ép doanh nghiệp Việt Nam hạ giá. Ảnh: QH

Sau khi hai DN xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp hơn nhiều so với các DN nước khác đã gây ra nhiều ý kiến trong nội bộ các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhiều DN ngành gạo lo lắng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ép giá.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phản đối việc các DN hạ giá gạo xuống để chào mời khách hàng. Theo DN này, hiện tại nhu cầu thị trường đang cao thì tại sao chúng ta lại phải làm như vậy.

Điều lo lắng này đã thành hiện thực khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số DN cho hay họ đã bị đối tác ép giá. Đáng chú ý, không chỉ ảnh hưởng ở thị trường xuất khẩu, với thị trường nội địa, nhiều DN cũng lo ngại nông dân bị đè giá lúa.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt cho rằng với nền kinh tế thị trường, câu chuyện bỏ thầu, hay bán giá gạo xuất khẩu ở mức nào là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp đó nên không thể nói ảnh hưởng chung đến ngành lúa gạo.

Với tập đoàn Lộc Trời, một trong hai DN trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá thấp, ông Long cho rằng doanh nghiệp này có những lợi thế lớn so với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác của Việt Nam giúp giảm chi phí, có giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Đơn cử nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, đa phần không có vùng nguyên liệu, họ đi mua lại thương lái, nhà máy xay xát, tức là mua gạo xá (gạo nguyên liệu). Khi đi mua gạo từ thương lái, qua khâu trung gian thì giá mua chắc chắn phụ thuộc thị trường, và chắc chắc chi phí cao hơn do thương lái sẽ tính thêm lợi nhuận của họ.

“Trong khi đó, Lộc Trời họ trồng lúa, có vùng nguyên liệu lớn, giảm chi phí trung gian cũng khoảng 20% thì họ sẽ chủ động trong tính toán giá bỏ thầu. Với mức giá gạo xuất khẩu trên, theo tôi doanh nghiệp vẫn đảm bảo có lợi nhuận. Và quan trọng Lộc Trời họ có liên kết với nông dân, đảm bảo thu mua, lợi nhuận cho nông dân nên không thể đưa ra ý kiến mang tính phiến diện rằng nông dân bị thiệt”- ông Long phân tích.

Cần đánh giá kỹ việc áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo

Để tránh tái diễn việc DN bỏ thầu giá gạo thấp gây ảnh hưởng đến giá trị gạo Việt, tại cuộc họp với Liên bộ Công Thương và NN&PTNT, Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam đưa ra đề xuất là áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều DN cho rằng Nhà nước không nên can thiệp mà để thị trường tự vận động. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, các DN được quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, được tự quyết định giá dự thầu.

“Mọi trường hợp đều không nên can thiệp hành chính mà để thị trường tự vận động. Đó là kinh tế thị trường, là quyền của DN, họ bán giá nào là quyền của họ nên việc đó là bình thường. Bản chất của kinh tế thị trường là phải cạnh tranh, nên câu chuyện bỏ giá thầu thấp như trường hợp vừa qua cũng là bình thường” - ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long nêu quan điểm.

Trong cuộc họp với Liên bộ mới đây, bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng cho rằng các thị trường như Malaysia, Philippines, Indonesia… đều là thị trường chung, mở đấu thầu tự do cho nên các DN đều được tham gia.

Với nền kinh tế mở, được tự do đấu thầu nên đương nhiên kèm theo đó là sự kiểm soát ít đi. Khi đấu thầu giá thấp thì chắc chắn gây ảnh hưởng rất lớn ở tất cả các thị trường, định giá gạo Việt Nam cũng thấp hơn, gây thiệt hại cho người nông dân, cho DN, cho đất nước.

“Tuy nhiên trước đây khi chúng ta áp dụng giá sàn, dù cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng vẫn có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng” - bà Tâm nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nêu ý kiến, với tình hình hiện nay thì cần phát huy vai trò của hai hiệp hội, là Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của DN chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của DN.

“Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam, nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo của một doanh nghiệp nào đó. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được” - ông Hoan nói.

Bộ trưởng Hoan cũng đặt câu hỏi: Liệu Hiệp hội đã làm hết vai trò của mình chưa? Nếu Hiệp hội chỉ là người cộng các con số xuất khẩu của DN thành viên thì đây không phải là chức năng của Hiệp hội. Hiệp hội phải là người kết nối các DN. Chỉ khi DN, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò ảnh hưởng của Hiệp hội ngành hàng với các hội viên. “Trong trường hợp các DN không tuân thủ, bán phá giá thì sẽ có chế tài xử phạt” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Yêu cầu báo cáo việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp

Ngày 29-5, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bỏ thầu giá thấp".

Trong văn bản gửi đi, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21-5 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Và Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Lộc Trời nói gì?

Ngày 29-5, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, đại diện Công ty Cổ phần Lộc Trời (một trong hai DN trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá thấp) cho biết công ty trúng thầu 2 lô gạo xuất khẩu sang Indonesia với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.

Tuy nhiên, DN cam kết vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa, thu mua lúa với giá cao hơn thị trường.

Lý do công ty Lộc Trời đưa ra mức giá trên vì DN có vùng trồng lúa nguyên liệu và hệ thống các nhà máy xay xát lúa gạo nên giảm được nhiều chi phí, có mức giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác.

“Với giá bỏ thầu xuất khẩu trên, Lộc Trời cam kết không ảnh hưởng đến bà con nông dân. DN vẫn đảm bảo thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với giá thị trường”- đại diện Lộc Trời thông tin.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm