Đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo

(PLO)- Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-5, hai Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả bốn tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo

Về mặt hàng gạo, thông tin tại cuộc họp cho biết năm 2024, nhận định chung tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Bởi hiện nhu cầu gạo trên thế giới vẫn ở mức cao trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng, hạn hán khiến nhiều quốc gia bị mất mùa vụ lúa gạo.

Hiện các nước vẫn đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do El-nino, nếu đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

xuất khẩu gạo.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: BCT

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam thông tin, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỉ USD. Ước tính đến ngày 30-5, tổng sản lượng xuất khẩu đạt 3,6 tấn, kim ngạch đạt hơn 2,3 tỉ USD, tăng 11% về số lượng, 34% về giá trị.

“Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả cho bà con nông dân, người trồng lúa” - ông Nam cho hay.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá, doanh nghiệp chào giá xuất khẩu thấp.

Từ thực trạng như trên, ông Nguyễn Ngọc Nam đề nghị Liên bộ cùng chỉ đạo rốt ráo để xử lý vấn đề này. Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài, do vậy chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được.

Cùng với các giải pháp như trên, điểm đáng chú ý là Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.

Bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho hay, trước đây đây khi chúng ta áp dụng giá sàn, cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng.

Thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp vi phạm

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn lỏng lẻo nên nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa ghi dấu lớn trên thị trường xuất khẩu. Hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của cả một ngành hàng.

Dẫn chứng tại một số hội chợ quốc tế, theo Bộ trưởng, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc để trưng bày sản phẩm mà không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành. Nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì thì sẽ không thể đi xa được.

“Việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An hay của một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm việc của Hội và Hiệp hội. Bởi chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Rõ ràng, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì thì sẽ không thể đi xa được.

Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo và rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành…

Đối với những ý kiến, kiến nghị của các Hiệp hội, và các đại biểu tham dự cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nghiêm túc tiếp thu để kịp thời đề xuất, sửa đổi bổ sung vào Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như một số quy định của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt gạo và rau quả nói riêng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm