Các trường đại học đều ủng hộ phương án đưa 50% giáo viên tại các địa phương tham gia coi thi cùng trường đại học chủ trì cụm thi. Tuy nhiên các trường đều có ý kiến gay gắt không nên để giáo viên THPT tại địa phương chấm thi cho thí sinh trên địa bàn do các trường đại học chủ trì, vì lo ngại sẽ có sự ưu ái cho con em, không công bằng kết quả thi.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng không nên để giáo viên tại địa phương chấm thi cho thí sinh trên địa bàn. Ảnh: P.ĐIỀN
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, phát pháo: “Không nên để giáo viên THPT tại địa phương chấm thi cho thí sinh trên địa bàn mà nên điều giáo viên ở các tỉnh khác chấm mới đảm bảo sự khách quan, đảm bảo chất lượng xét tuyển của các trường.”
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, bổ sung: Đối với các trường đại học chủ trì cụm thi, sau khi thi xong nên đưa bài thi về thành phố rọc phách, sau đó bốc thăm ngẫu nhiên để giáo viên các tỉnh chấm mới đảm bảo khách quan. Bởi có nhiều ý kiến băn khoăn về điểm của thí sinh các tỉnh vào các trường tốp trên có cao thực sự?!
Trước các ý kiến tranh cãi, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, xoa dịu: “Thật ra chúng ta phải tin nhau, vì mỗi kỳ thi có một triệu thí sinh tham gia, lấy đâu ra giáo viên để chấm ngần ấy số bài. Vấn đề ở đây là có cơ chế thanh tra, kiểm soát việc chấm thi, bởi thực tế đã từng xảy ra tình trạng các địa phương bắt tay nhau chấm bài thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chốt lại: Ý kiến các trường đưa ra Bộ ghi nhận và có cơ chế kiểm soát tốt việc chấm thi trên tinh thần hài hòa việc tổ chức coi thi và chấm thi tại các cụm thi do trường đại học và Sở GD&ĐT các địa phương phối hợp.
- Sáng cùng ngày, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia 2016 cho các trường đại học, học viện, các trường ĐH chủ trì cụm thi và sở GD&ĐT cả nước.
Theo đó, Bộ công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2016, cụ thể thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 1-4 đến ngày 30-4. Các đơn vị gửi giấy báo dự thi trước ngày 15-6. Ngày 30-6 thí sinh tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót. Các đơn vị hoàn thành chấm thi trước ngày 20-7. Hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp trước 25-7. Các cụm thi in và trả giấy chứng nhận kết quả thi trước 30-7.
Thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng từ ngày 1-8. Các trường đại học kết thúc xét tuyển vào ngày 20-10. Các trường cao đẳng kết thúc xét tuyển vào ngày 15-11.
Có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì. Các cơ sở giáo dục đại học được giao chủ trì các cụm thi có nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, chấm thi, chấm phúc khảo, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, thông báo kết quả thi và báo cáo dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia.
Lịch thi các môn: 1-7: Sáng: Toán 180 phút, chiều: Ngoại ngữ 90 phút 2-7: Sáng: Ngữ văn 180 phút, chiều: Vật lý 90 phút 3-7: sáng: Địa lý 180 phút, chiều: Hóa học 90 phút 4-7: Sáng: Lịch sử 180 phút, chiều: Sinh học 90 phút |