Việc tháo lắp loại kính này đòi hỏi người dùng phải có kiến thức, kỹ năng vệ sinh mắt. Ảnh: Lê Kiên
Tiện lợi nhưng lắm rủi roKính áp tròng (contact lens) giúp người đeo có một trường nhìn tốt hơn, làm tăng sự tự tin. Nó loại trừ những bất tiện mà kính có gọng đem lại như sự chèn ép của gọng lên sống mũi và tai, nhìn mờ khi trời mưa hoặc ẩm... Hiện kính áp tròng được chỉ định rộng rãi cho hầu hết các loại tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị, sau mổ thuỷ tinh thể… với điều kiện bệnh nhân có giác mạc khoẻ mạnh và màng nước mắt lý tưởng. Tuy nhiên, việc tháo lắp và dung nạp loại kính này tương đối khó khăn, đòi hỏi người sử dụng phải có những kiến thức, kỹ năng vệ sinh mắt và chăm sóc kính. Nếu không, nguy cơ viêm nhiễm, tai biến là rất lớn. Không phải trường hợp tật khúc xạ nào cũng được chỉ định dùng kính áp tròng. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và môi trường quá nhiều khói bụi, chất lượng nước sinh hoạt nhiều vùng còn thấp như ở Việt Nam, đeo kính áp tròng không phải là giải pháp tối ưu do khả năng viêm nhiễm mắt rất lớn, nhất là với nước máy, nước biển, hồ bơi, nước vòi hoa sen… có thể chứa nhiều amíp, ký sinh trùng… là thủ phạm gây bệnh lý viêm loét giác mạc, thường trú ngụ quanh viền kính áp tròng. Mặt khác, đeo kính áp tròng không đúng chỉ định, sai sót về kỹ thuật tháo lắp cũng có thể gây xước, trượt lòng đen gây đau đớn, viêm nhiễm mắt, thậm chí giảm thị lực, dẫn đến mù loà. Bệnh viện Mắt Trung ương từng tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương mắt do sử dụng kính áp tròng: viêm giác mạc do nhiễm khuẩn, loét giác mạc do kính cọ xát liên tục lên giác mạc… Đeo sao cho an toàn?Trước hết, chỉ nên đeo kính áp tròng khi đã được bác sĩ nhãn khoa thăm khám tình trạng tật khúc xạ. Sau đó, bệnh nhân cần làm giác mạc đồ để tính toán độ cong của giác mạc, nhằm chọn được cặp kính vừa vặn nhất. Những trường hợp sau không nên dùng kính áp tròng hoặc phải rất thận trọng khi dùng: người bị cảm cúm, khô mắt, người có viêm nhiễm mạn tính tại mi và giác mạc, người không thể thao tác với kính áp tròng hoặc có cảm giác ghê sợ khi đeo kính này. Hiện có rất nhiều loại kính áp tròng sử dụng trong ngày, tuần, tháng hoặc cả năm mới phải thay kính mới. Kính có thời hạn sử dụng càng lâu, nguy cơ nhiễm bẩn càng lớn. Việc tháo lắp và vệ sinh kính phải thực hiện theo bản hướng dẫn sử dụng kính. Kính phải rửa sạch mỗi ngày (dung dịch rửa thường bán kèm theo kính). Không đeo kính qua đêm. Quy trình tiệt trùng bằng hoá chất hay nhiệt độ sẽ thanh lọc các loại vi khuẩn, nấm, virút… có thể gây hại cho mắt. Ngoài ra, hàng tuần nên khử protein bằng dung dịch đặc biệt của nhà sản xuất. Cách xử lý một số sự cố thường gặpĐau rát do mang kính sai kích cỡ, có dị vật lọt vào mắt, kính bị hỏng, xước giác mạc, các viêm nhiễm tại giác mạc..., đến gặp bác sĩ ngay. Nhìn mờ do kính quá chật hoặc quá lỏng, đeo kính không đúng số, tích tụ nhầy nhớt tại kính (có thể do bệnh nhân có thêm những vấn đề khác ở mắt): cần vệ sinh kính bằng dịch khử protein hoặc khám bác sĩ nếu cần thiết. Cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy do lạm dụng việc đeo kính áp tròng (đeo quá giờ quy định), giảm chất lượng và số lượng nước mắt, viêm kết mạc có nhú gai khổng lồ, không dung nạp được kính, dị ứng với hoá chất trong các dung dịch: tháo kính và đi bác sĩ ngay. Không thể tháo kính do sử dụng kính không phù hợp, thao tác sai khi tháo kính hoặc kính đã rơi ra ngoài mắt nhưng còn nằm lẫn ở mi trên: đứng trước gương, dùng các loại dịch nhỏ mắt để làm kính nổi lên hoặc trở về vị trí cũ trên giác mạc, sau đó dùng ngón tay nhẹ nhàng tháo kính ra. Nếu các thao tác trên vẫn thất bại thì sớm đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ. ThS.BS Hoàng Cương Phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương
Theo Phan Anh (SGTT) ghi