Trẻ đột nhiên nôn trớ nhiều, có nên xét nghiệm men gan?

(PLO)- Không phải bất kỳ rối loạn tiêu hóa nào ở trẻ cũng sẽ cần phải xét nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nếu thấy trẻ đột nhiên nôn trớ quá nhiều mà không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần cho con đi khám, làm xét nghiệm men gan đề phòng trẻ mắc viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân (viêm gan bí ẩn).

TS.BS Vũ Tùng Sơn - Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ - Học viện Quân y cho hay, hiện nay tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em, Bộ Y tế đã ra công văn 2329/BYT-DP tăng cường giám sát các trường hợp viêm gan cấp không rõ nguyên nhân.

“Men gan hay enzym gan có vai trò trong chuyển hóa và thải độc của cơ thể. Khi gan bị viêm, tế bào gan bị phá hủy sẽ giải phóng men gan vào trong máu gây nên tăng men gan, xét nghiệm men gan tăng cao gián tiếp chẩn đoán tình trạng viêm gan” – BS Sơn nói.

Trong thời gian vừa qua một số trẻ bị nôn trớ nhiều, có thể kèm theo cả đi ngoài phân lỏng, nôn trớ và đi ngoài phản ánh tình trạng viêm của đường tiêu hóa, trong viêm gan đây không phải là triệu chứng điển hình mà chỉ là triệu chứng phụ, không phải là triệu chứng chính để định hướng hoặc chẩn đoán viêm gan.

Theo BS Sơn, khi trẻ nôn trớ hoặc rối loạn tiêu hóa không nhất thiết phải xét nghiệm viêm gan. Nếu tình trạng trên kéo dài, trẻ có thể dẫn đến mất nước và điện giải, vì thế cần phải cho trẻ đi khám và bù nước đúng cách.

“Xét nghiệm viêm gan là chỉ định của BS, vì thế khi trẻ đi khám nếu có nghi ngờ BS sẽ chỉ định làm xét nghiệm, không phải rối loạn tiêu hóa nào cũng sẽ cần phải xét nghiệm” – BS Sơn nhấn mạnh.

BS Sơn cũng khuyến cáo, nếu trẻ xảy ra tình trạng nôn trớ hoặc rối loạn tiêu hóa, tốt nhất nên cho trẻ đi khám để kiểm soát sớm tình trạng mất nước và điện giải, đồng thời xác định nguyên nhân để điều trị kịp thời.

Nhiều phụ huynh lo lắng không biết có nên cho trẻ xét nghiệm men gan để phát hiện viêm gan ở trẻ. Ảnh: MH

Nhiều phụ huynh lo lắng không biết có nên cho trẻ xét nghiệm men gan để phát hiện viêm gan ở trẻ. Ảnh: MH

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 7-5 có khoảng 278 trẻ mắc viêm gan cấp tính ở 20 nước, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt.

Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan vi rút cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).

WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp viêm gan cấp tính. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, báo cáo ngay những trường hợp bất thường, dồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm