Bộ Công an đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Theo đó, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ sáu vào tháng 10-2023 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2024. Hiện dự thảo Luật TTATGTĐB đang được lấy ý kiến góp ý.
Những điểm mới của dự thảo này đã và đang được người dân quan tâm, đặc biệt có những điều luật quy định rõ ràng về cả hành vi và thái độ của người tham gia giao thông.
Trẻ em, dây đai an toàn và vị trí trên xe
Khác với Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc xe: “ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn”, tại dự thảo Luật TTATGTĐB nêu rõ, không chỉ lái xe mà bất kỳ ai ở trên xe ô tô đều phải thắt dây đai an toàn ở những chỗ có trang bị dây đai khi tham gia giao thông.
Ông Trương Lê Minh, giáo viên một trung tâm đào tạo dạy lái xe ở TPHCM cho biết, bài học đầu tiên khi bước chân lên xe ô tô các loại đều phải cài dây an toàn, bởi vì đây là cọng rơm cứu mạng khi không may xảy ra tai nạn.
“Tôi thấy nếu điều luật này có hiệu lực, nó sẽ nâng cao tính nhận thức của người dân khi tham gia giao thông ở mọi vị trí, không chỉ riêng người lái xe mà bất kỳ ai trên xe cũng phải thắt dây an toàn, bởi không biết tại nạn có thể xảy ra lúc nào” ông Minh chia sẻ.
Người dân cho rằng ngoài quy định về người điều khiển phương tiện, cần có quy định đối với người đi bộ qua đường. Ảnh: KHÁNH TOÀN |
Bên cạnh mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với vấn đề thắt dây an toàn, Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn đối với đối tượng là trẻ em khi tham gia giao thông. Theo đó, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật (trích Điều 9, Dự thảo)
Việc quy định đối tượng điều chỉnh là trẻ em được thể hiện một cách rõ ràng theo độ tuổi, chiều cao cũng như loại phương tiện, thậm chí ngay cả việc chỗ ngồi của trẻ em dưới 4 tuổi cũng phải là loại ghế thiết kế dành riêng cho trẻ em.
Vì tính chất công việc, lại có con nhỏ nên gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng (ngụ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lựa chọn chiếc xe hơi 5 chỗ làm phương tiện di chuyển, chị rất ủng hộ vì khi điều luật này đã lường trước được những trường hợp trẻ em hiếu động khi đi xe, nhất là xe hơi gia đình.
“Dù biết không phải đứa trẻ nào cũng chịu ngồi yên một chỗ khi đi xe, tuy nhiên nếu điều luật này có hiệu lực sẽ tạo nên khuôn khổ để không chỉ những bậc phụ huynh, mà cả những đứa trẻ sẽ được giáo dục phải có suy nghĩ an toàn hơn khi tham gia giao thông từ khi còn nhỏ” chị Hằng cho hay.
Nhường đường cho người đi bộ
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật TTATGTĐB là hành vi nhường đường cho người đi bộ bất kể có hay không vạch kẻ đường.
Cụ thể, tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ, dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ hoặc không có báo hiệu qua đường nếu người điều khiển phương tiện quan sát thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật (trích khoản 5, Điều 9 Dự thảo).
Biển báo chú ý nhường đường cho người đi bộ tại nút giao đường Nguyễn Ái Quốc và Phạm Văn Thuận (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: KHÁNH TOÀN |
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho rằng trước khi điều luật trên ra đời, người dân đã có ý thức nhường đường cho người qua đường không riêng gì người khuyết tật mà còn có cả người già, phụ nữ mang thai cũng như trẻ em.
“Chúng ta đã có những bài học từ cấp tiểu học giáo dục về vấn đề nhường đường cho người đi bộ rồi và điều đó theo tôi nó nằm sâu về mặt ý thức, chứ không phải chờ đến khi luật quy định mới thực hiện” anh Bình bày tỏ.
Ông Phạm Văn Sang (ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bày tỏ: Ngoài quy định đối với người điều khiển phương tiện, cần có quy định với người đi bộ qua đường, vì không ít trường hợp tai nạn bắt nguồn từ hành động thiếu ý thức của người đi bộ.
“Tôi từng chứng kiến một vụ tại nạn, khi đèn giao thông chuyển sang xanh, dòng xe bắt đầu di chuyển thì có một người mải nhìn điện thoại không để ý đèn tín hiệu cho người đi bộ đã bật màu đỏ nên băng qua đường, hậu quả bị một xe máy tông trúng phải đi cấp cứu” ông Sang kể lại.
Người tham gia giao thông không cần mang giấy tờ bên mình
Theo Điều 38, Dự thảo luật TTATGTĐB quy định về “Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” nêu rõ:
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 3 Điều này. Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Chứng nhận đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo.
Như vậy, người dân không cần mang theo giấy tờ xe khi tham gia giao thông nếu đã đồng bộ đầy đủ thông tin của mình vào tài khoản định danh điện tử (VNeID).