Sáng 20-7, tại Hội trường 215 Võ Thị Sáu, hơn 130 học sinh đến từ các mái ấm, nhà mở và các quận, huyện đã tham gia diễn đàn “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức. Nhiều câu hỏi hóc búa từ thực tế được các em đặt ra cho lãnh đạo TP khiến không ít người lớn ngỡ ngàng.
Bao giờ thành phố đẹp, xanh?
“Có một bài báo viết rằng “Từ cầu Sài Gòn nhìn vào trung tâm, TP như phủ bởi một tấm màn sương”. “Sương” ở đây là khói bụi xe cộ và các nhà máy thải ra. Đây là một nhánh cây trên đường Võ Thị Sáu sáng nay em vừa ngắt. Đoạn đường này không ít trẻ em qua lại. Lá cây còn bạc màu vì khói bụi huống chi sức khỏe trẻ em. Môi trường ô nhiễm sẽ gây tác hại đến hệ hô hấp, giảm chỉ số IQ... Vậy phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này hả cô chú?” - em Trương Phan Cẩm Tú, học sinh lớp 8A13, Trường quốc tế Á Châu, đặt câu hỏi. Tú nhờ bạn ngồi cạnh đưa cao nhánh cây cho các cô chú xem, rồi đưa tiếp một mảnh nhôm đã rỉ sét: “Đây là mảnh bọc sên xe đạp của một học sinh. Vì đường ngập nước liên tục nên xe của bạn ấy đã ra thế này đây. Đến bao giờ chúng em mới được sống trong môi trường trong lành ạ?”.
Tiếng vỗ tay vang lên. Giải đáp những băn khoăn này, bà Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, cho hay 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP đều có nhà máy xử lý nước thải. “Vấn đề là các doanh nghiệp có đấu nối vào các nhà máy hay không. Khi các ngành kiểm tra thì thấy có nhưng khi đoàn kiểm tra về, có khi họ lại rút ra. Do vậy, TP đã yêu cầu các ngành phải kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, TP đã lên “danh sách đen” 1.400 nhà máy bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và bắt buộc khắc phục, di dời. Trong danh sách này hiện còn 53 đơn vị đang tìm cách khắc phục” - bà Thảo nhấn mạnh và cho biết thêm TP đang giục Sở Giao thông Vận tải khẩn trương để đến năm 2012 cơ bản xử lý xong vấn đề ngập nước.
Em Trần Mai Đăng Khoa đến từ Nhà thiếu nhi TP lại có một băn khoăn khác. Để an toàn, phụ huynh phải chở các em đi học bằng xe máy. Điều này gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường. “Tại sao chúng ta không làm mô hình đưa đón học sinh như các nước đã làm ạ? Em muốn biết kế hoạch những năm tới của TP có chương trình này không?” - Khoa đề xuất. Bà Thảo giải thích: TP hiện có khoảng 3.500 xe buýt nhưng chất lượng phục vụ chưa cao khiến học sinh và người dân chưa hài lòng. Hiện một số trường học đã có mô hình đưa đón học sinh. TP sẽ nghiên cứu để tổ chức mô hình này phù hợp với tình hình thực tế.
Em muốn đến trường an toàn
Em Võ Thục Uyên (lớp 10 Trường Nguyễn Du) xúc động kể lại, năm trước, em thấy một bạn đến trường bằng xe lăn. Qua hỏi thăm, em biết trong một lần xích mích, bạn ấy đã bị người bạn cùng trường dùng dao đâm vào bụng gây liệt hai chân và vô sinh. Năm 2008, có một bạn học sinh ở Trường Nguyễn Du bị đâm chết... “Chúng em có cảm giác không an toàn khi đến trường. Các cô chú có biện pháp nào để ngăn chặn ạ?” - Uyên lo lắng.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết Sở đang xây dựng mô hình trường học thân thiện và nâng cao giáo dục ý thức cho các em để hạn chế tình trạng nói trên. Ông cũng nhắn nhủ các bạn khi thấy có biểu hiện bạo lực tại học đường nên báo ngay cho ban giám hiệu hoặc phụ huynh để ngăn ngừa kịp thời.
Chúng em muốn học về giới tính
Một nữ sinh khác đặt câu hỏi: “Giáo dục giới tính rất quan trọng nhưng nhiều lớp ở trường em bị giáo viên bỏ qua. Các bạn tự tìm hiểu trên mạng, có bạn hiểu đúng, có bạn hiểu sai và làm theo rất nguy hiểm. Em đề nghị phải đưa môn học này và chương trình chính khóa ạ”. Bà Nguyễn Thị Bích, Phó Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, hỏi lại: “Khi cô giáo bỏ qua chương trình giáo dục giới tính, các em làm gì, có phản ứng gì không?”. Nhiều câu trả lời: “Không ạ!”. “Vì sao các em bỏ qua quyền được tham gia của trẻ em? Các em phải phản ánh lại phụ huynh để phụ huynh đề nghị với nhà trường chứ!”.
Kết thúc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, chỉ đạo các sở ngành, đoàn thể ghi nhận những kiến nghị của các em chưa giải đáp được trong diễn đàn để tham mưu cho TP giải quyết. Chúng ta phải lồng ghép những kiến nghị của trẻ vào “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em” trong giai đoạn tiếp theo.
Thời gian tới, một số em sẽ được chọn tham dự diễn đàn trẻ em quốc gia và có thể sau đó sẽ là diễn đàn trẻ em quốc tế.
Một bạn nữ thắc mắc khi gặp tình trạng trẻ bị bạo hành phải gọi đến đâu nhờ giúp đỡ. Bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trả lời: Khi phát hiện có tình trạng bạo hành trẻ em, hãy gọi đến các số máy sau: 18001567, 38 202 965, 38 215 878. Nếu quá bối rối, các em hãy bấm số 1080 để trình bày và xin số điện thoại kết nối. |
THANH MẬN