Trễ hạn cả chục ngàn sổ hồng: Bao giờ hết 'điệp khúc' này?

(PLO)- Việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận không phải là câu chuyện mới, và đã được nhận diện, đã đưa ra giải pháp nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm, phải chăng việc chậm trễ nằm ở con người?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bảy năm kể từ ngày thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp (ngày 1-7-2015), tại TP.HCM chưa năm nào không có hồ sơ không trễ hạn. Mặc dù tỉ lệ hồ sơ trễ hạn có giảm qua từng năm nhưng con số 14.000 hồ sơ trễ hạn năm 2022 rất đáng suy ngẫm…

Nhìn lại thời điểm năm 2015, khi văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) dồn về một cấp thì tất cả trường hợp cấp mới, cập nhật giấy chứng nhận (GCN) đều tập trung về Sở TN&MT ký.

Đây được cho là nguyên nhân gây ra ách tắc và quá tải khiến tình trạng chậm trễ hồ sơ lên đến 80%. Sau đó, ngành TN&MT ký hợp đồng với bưu điện và Sở TN&MT được phép ủy quyền cho chi nhánh VPĐKĐĐ quận/huyện được giải quyết hồ sơ cập nhật biến động thì lượng hồ sơ trễ hạn giảm xuống còn 70%, 60%, rồi 10%.

Đến năm 2019, vẫn còn 7,4% hồ sơ cấp mới GCN bị trễ hạn. Nguyên nhân vẫn là do hồ sơ vẫn phải luân chuyển, thủ tục thuế, phí vẫn theo phương thức giao dịch trực tiếp nên mất rất nhiều thời gian.

Năm 2021, TP.HCM ban hành Quyết định 08 ủy quyền cho 22 chi nhánh VPĐKĐĐ được ký cấp GCN. Với giải pháp này, Sở TN&MT TP.HCM lúc đó khẳng định sẽ chấm dứt cảnh ách tắc cấp sổ hồng.

Bởi khi các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, thụ lý, nếu đủ điều kiện thì ký GCN luôn, sau đó chuyển hồ sơ về VPĐKĐĐ TP để đóng dấu. Khi ấy hồ sơ đã hoàn thiện hết, chỉ có việc đóng dấu và chuyển lại hồ sơ về để chi nhánh trả ra cho dân. Hơn nữa, việc đóng dấu sẽ được thực hiện xong ngay trong ngày. Với quy trình này thì khó xảy ra tình trạng trễ hạn cấp sổ hồng.

Tuy nhiên, năm 2021, 2022, điệp khúc trễ hạn vẫn còn tiếp diễn với hàng chục ngàn hồ sơ cấp GCN. Lấy số liệu thống kê hồ sơ trễ hạn mới nhất tại thời điểm cuối năm 2022 là 14.000 trường hợp. Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ trễ hạn 2,7% tưởng là nhỏ nhưng con số này cũng đồng nghĩa với hàng chục ngàn cá nhân, hộ gia đình đang mỏi mòn chờ mảnh giấy hồng lận lưng thì quả là chuyện không nhỏ!

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sáng 20-12, giám đốc Sở TN&MT tiếp tục đưa ra các giải pháp để “giải cứu” hàng chục ngàn hồ sơ cấp GCN bị trễ hạn. Trong đó có việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời với cán bộ, công chức, viên chức còn trì trệ, chưa làm tốt công việc.

Việc chậm trễ trong cấp GCN không phải là câu chuyện mới mà đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân đã được nhìn nhận, giải pháp cũng đã được nêu ra nhiều lần, nhiều năm nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng trễ hạn. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận, phải chăng ngoài các nguyên nhân khách quan, vấn đề chậm trễ nằm chủ yếu ở con người?

Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện cần coi như mình là chỉ huy thực thụ trên chiến trường, làm việc có kỷ luật và chỉ đạo quyết liệt mới kịp.

Theo Bí thư Thành ủy, một số nơi khi kiểm tra, giám sát còn tồn đọng nhiều - tồn đọng ngay trên cái ghế của người ngồi vị trí đó và cần phải xem lại. Bởi theo ông, “một chữ ký của mình mà nhiều người chờ đợi thì chúng ta thật có lỗi”. Mong là sự lưu ý đó của người đứng đầu Đảng bộ TP sẽ được soi rọi vào chuyện chậm trễ sổ hồng này, để sớm chấm dứt điệp khúc trễ hạn từ năm này qua năm khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm