Trẻ vừa chào đời đã kháng thuốc kháng sinh

(PLO)- Thuốc kháng sinh lan truyền từ hệ vi sinh vật đường ruột của mẹ đến bào thai khiến nhiều trẻ vừa chào đời đã bị kháng thuốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, nhiều bà mẹ cho biết con họ vừa lọt lòng đã mắc chứng kháng thuốc kháng sinh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Con bị vạ lây từ mẹ

Sau sinh một ngày, con chị TTTM (27 tuổi, Long An) liên tục bị tiêu chảy, phân lúc vàng lúc xanh, nhầy, tanh hôi... Kết quả xét nghiệm mẫu phân cho thấy bé nhiễm vi khuẩn coliforms (gây bệnh trên hệ tiêu hóa - PV).

“Bác sĩ (BS) nói có thể do tôi sử dụng nhiều amoxicillin và kháng sinh này đã truyền qua bé khi còn trong bụng mẹ. Vi khuẩn coliforms kháng thuốc amoxicillin dẫn đến bé bị tiêu chảy” - chị M cho biết.

Theo chị M, trong thai kỳ chị thường xuyên sử dụng kháng sinh amoxicillin trị bệnh đường hô hấp. “Tôi đi khám được BS chẩn đoán bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, cho uống amoxicillin. Sau đó, cứ bệnh tôi lại ra nhà thuốc mua về uống” - chị M nói.

Trẻ khám tiêu chảy do kháng với kháng sinh vi khuẩn đường ruột. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trẻ khám tiêu chảy do kháng với kháng sinh vi khuẩn đường ruột. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tương tự, con chị NTNH (28 tuổi, Đồng Nai) mới sinh ba ngày cũng bị tiêu chảy, phân bị loãng và sủi bọt với số lần tăng dần. Theo kết quả xét nghiệm, bé bị nhiễm vi khuẩn coliforms.

Đe dọa sức khỏe của trẻ nhỏ

Trẻ dưới 24 tháng tuổi bị kháng thuốc kháng sinh cao của vi sinh đường ruột sẽ bị tiêu chảy nặng, gây loạn khuẩn đường ruột do rối loạn hệ vi khuẩn thường trú trong đường ruột. Trong đó, những vi khuẩn tốt cho cơ thể cũng bị tiêu diệt.

Trẻ bị kháng thuốc kháng sinh cao của vi sinh đường ruột có thể bị tổn hại gan, thận…

ThS-BS HỒ NGỌC LỢI, Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa BV ĐH Y Dược TP.HCM

Chị H cho hay khi còn thiếu nữ chị bị trứng cá khá nặng, đi khám được BS cho kháng sinh tetracycline. Từ đó cho đến khi lập gia đình, mang thai, chị thường dùng thuốc này trị mụn.

“BS nói tetracycline dẫn truyền qua thai nhi khiến con tôi bị kháng thuốc kháng sinh, không diệt được vi khuẩn coliforms” - chị H cho biết.

Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Mới đây, đề tài nghiên cứu “Tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao của vi sinh đường ruột ở nhóm trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi khỏe mạnh tại TP.HCM” được nhiều người quan tâm.

Tác giả đề tài là nhóm BS của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), BV đa khoa Mỹ Đức (TP.HCM) và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (Anh).

Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu phân của 105 trẻ khỏe mạnh từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi tại BV Mỹ Đức từ tháng 11-2021 đến tháng 8-2022.

Trẻ được chia ba nhóm: Nhóm 1 (0-3 ngày tuổi), nhóm 2 (6-12 tháng tuổi) và nhóm 3 (18-24 tháng tuổi), mỗi nhóm 35 trẻ.

Kết quả, tổng thể 98,8% mẫu của cả ba nhóm đều có vi khuẩn coliforms kháng với ít nhất một thuốc kháng sinh. Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu cho rằng 31,5% trẻ nhóm 1 và 100% trẻ nhóm 2, nhóm 3 mang coliforms kháng với tối thiểu một loại kháng sinh.

Ngoài ra, trẻ nhóm 1 có tỉ lệ và mật độ kháng cao với tetracycline, amoxicillin hoặc clavulanate cho dù không sử dụng các kháng sinh này.

Nguyên nhân của tình trạng trên có khả năng do lan truyền thuốc kháng sinh từ hệ vi sinh vật đường ruột của mẹ đến trẻ. Cùng với đó là ảnh hưởng của việc sử dụng kháng sinh không kê toa phổ biến tại Việt Nam, nhất là amoxicillin trị bệnh hô hấp cho trẻ dưới năm tuổi.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy trẻ khỏe mạnh cũng có thể là nguồn mang gen kháng thuốc kháng sinh từ khi sơ sinh.

Theo nhóm nghiên cứu, các kết quả này sẽ cung cấp dữ liệu cho việc xây dựng các biện pháp giảm tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam, bao gồm cả trên trẻ nhỏ.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu trên ba nhóm trẻ, vi khuẩn coliforms kháng với amoxicillin (điều trị nhiễm trùng và ho) hoặc clavulanate (điều trị nhiễm trùng) chiếm 100%; kháng với tetracycline (điều trị các bệnh ngoài da) ở nhóm 1 là 100%, nhóm 2 là 16,4% và nhóm 3 là 13,2%.

Mật độ coliforms đồng kháng với tetracycline, amoxicillin hoặc clavulanate ở nhóm 1 tương đương 81,6%; đa kháng với tetracycline, amoxicillin hoặc clavulanate ở nhóm 2 và nhóm 3 lần lượt là 50,2%, 11,1% và 38%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm