Ép con học năng khiếu
Sự việc diễn ra vào một buổi sáng tại Nhà Thiếu nhi Q.1, TPHCM. Cháu bé vừa bị đẩy vào lớp học múa đã bật khóc tức tưởi, phản ứng lại bằng việc lao ra khỏi phòng tập. Người phụ nữ chạy theo, túm đứa bé đẩy vào trong lớp, cháu lại vùng vằng chạy ra phía ngoài cổng. Giữ được cháu bé, người phụ nữ này: “Không vào này! Không vào này! Vào học ngay không?” đi kèm đó là những đánh vào mông, nhứ và đánh vào đầu đứa trẻ.
Người nhiều có mặt ở đó vây lại hỏi han, biết được sự tình cháu bé không chịu học múa, hôm nào đến lớp cũng khóc, hôm nay quyết không chịu vào lớp. Khi có người hỏi thăm, sao không để cháu học thứ khác cháu thích hơn, chị ta đáp: “Trong năm học cháu đã học võ nhưng chỉ để phát triển thể lực. Hè này nhất quyết phải học múa, học nhảy”. Thấy có người can ngăn, người phụ nữ kéo con vào trong, vẫn tiếp tục la mắng ép đứa trẻ vào học múa.
Nhiều trẻ phải học năng khiếu vì sở thích, mong muốn của bố mẹ (Ảnh minh họa)
Có thể không phản ứng dữ dội khi bị ép học đến mức như cậu bé trên nhưng đến các lớp học năng khiếu ở các trung tâm, nhà thiếu nhi, không khó để thấy tình cảnh bố mẹ phải năn nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt đến dọa nạt, ép buộc con vào lớp học. Nhất là dịp hè, số lượng trẻ đi học năng khiếu rất đông nhưng không phải em nào cũng được học môn theo đúng sở trường, sở thích của mình. Thế nên lớp học năng khiếu diễn ra nhiều tình huống như bên cạnh những trẻ thích thú, háo hức thì không ít em vừa học vừa khóc, chẳng để ý gì hay trốn vào một góc để... ngủ. Không phải bé nào cũng có và dám phản ứng việc không thích của mình như cậu bé bị ép học múa kể trên. Đón con gái 10 tuổi tại lớp học vẽ ở Q.3, chị Trần Thanh Hảo cho biết, con mình đã học được 6 buổi và buổi nào học xong cũng kêu chán. Nhưng vợ chồng chị đều làm trong ngành xây dựng, muốn hướng con vào ngành thiết kế nên đã cho con học vẽ từ nhỏ. “Càng lớn nó càng tỏ ra không thích vẽ vời mà lại thích đàn nhạc nên ông xã nhà tôi càng ép cháu học phải học. Vợ chồng tôi thấy cháu rất có khả năng về thiết kế nên có thể bây giờ cháu chê vậy chứ sau này sẽ tốt cho nó”, chị Hảo khẳng định. Mặc dù, nghe nhiều người khuyên để con được chọn môn năng khiếu mình thích nhưng vợ chồng chị sợ con học đàn đóm sau sẽ mơ mộng như nghệ sĩ nên cấm triệt để. Cần lắng nghe ý kiến của conDịp hè, nhiều trẻ em ở thành phố được bố mẹ cho tham gia học năng khiếu. Đây có thể là sân chơi lành mạnh, đồng thời giúp trẻ phát triển khả năng nếu như không có chuyện phụ huynh dùng mong muốn, ý thích của mình để áp đặt lên con. Giáo viên dạy âm nhạc tại một Nhà Thiếu nhi ở TPHCM cho biết, nhiều trẻ chấp nhận ngồi trong lớp năng khiếu chỉ vì…sợ bố mẹ. Các em không có khả năng, đam mê về môn học, giáo viên sẽ nhận ra ngay. Phụ huynh nghe
tư vấn chọn môn năng khiếu cho con tại Nhà Thiếu nhi TPHCM.
Tuy nhiên, khi nghe trao đổi, không phải phụ huynh nào cũng chấp nhận vì họ đã đặt mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai của trẻ liên quan đến môn năng khiếu đó hoặc đơn giản họ ghét các môn khác, cho rằng chúng không tốt, không hay. “Con chán học, không tiến bộ, có phụ huynh quay sang đổ lỗi cho người dạy. Có nhiều người ép con học nhạc tôi không nhận vì tội nghiệp đứa bé vô cùng. Mình khuyên bố mẹ cho cháu học môn khác thì họ bỏ về, bảo nơi này không dạy thì đi tìm nơi khác”, giáo viên này kể. Ông Nguyễn Thành Nhân (giảng viên, cố vấn giáo dục Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương) cho hay, đối với các môn năng khiếu như đàn, vẽ, hát…nếu đứa bé tự nguyện chọn theo đam mê của mình sẽ rất tốt cho sự phát triển các kỹ năng như tập trung, nghe, nhìn, quan sát.
Trẻ chỉ phát triển được các khả năng, kỹ năng khi được học môn năng khiếu đúng sở thích, sở trường.
Còn phụ huynh ép con theo học môn nghệ thuật mà không lắng nghe ý kiến, sở thích của con có thể dẫn đến những kết quả không hay, ngược với mục đích tốt ban đầu. Trẻ bị ép học thì giáo viên giảng dạy giỏi đến cỡ nào, các em cũng chỉ có thể phát huy được rất ít các khả năng, kỹ năng cần thiết. Không những thế, trẻ dễ chểnh mảng và học không tốt, tâm lý trẻ cũng bị ức chế tạo ra sự sợ hãi có thể dẫn đến giảm ý chí trong học tập và không còn tự tin trong cuộc sống. “Không gì đáng sợ hơn phải học những thứ mình không thích. Phụ huynh cần lắng nghe sở thích và ý kiến của con. Nếu trẻ không lựa chọn được, cha mẹ nên ngồi lại cùng con, giúp con hình dung ra các môn nghệ thuật để chọn được môn phù hợp và hiệu quả nhất”, ông Nhân nhấn mạnh. Đặc biệt, việc nhiều phụ huynh không lường được việc ép con học năng khiếu theo ý mình có thể làm trẻ mất cơ hội phát triển theo khả năng thật sự. Nhất là khi đứa trẻ có đam mê, khả năng khác nhưng điều đó bị “bóp nghẹt” khi phải đầu tư cho môn không yêu thích.
Theo Hoài Nam (DT)