Những ngày tháng 3 vừa qua, các đoàn giám sát của Quốc hội (QH) đã đồng loạt làm việc tại nhiều địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Có một điểm chung là hầu như địa phương nào cũng tồn tại tình trạng dư thừa cấp phó, từ cấp phó giám đốc sở tới cấp phó ở các phòng chuyên môn thuộc sở.
Dư cấp phó là… quá bình thường
Làm việc với đoàn giám sát của QH (ngày 29-3), báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết hiện tỉnh này còn nhiều đơn vị có số lượng lãnh đạo cao hơn nhân viên, điển hình như Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Một số đơn vị như Sở TN&MT có tới sáu phó giám đốc, Sở NN&PTNT đến tháng 7-2016 có tới tám phó giám đốc và đến cuối năm 2016 giảm xuống còn năm phó giám đốc. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng tới có 34 lãnh đạo trên 41 công chức, chuyên viên, Sở GD&ĐT 36/42, Sở Y tế có 25/26, Ban Dân tộc có 14/14…
Không chỉ ở Thanh Hóa mà TP Cần Thơ cũng có tình trạng này. Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của QH (ngày 30-3), bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đặt vấn đề số lượng cấp phó ở một số sở của TP còn nhiều như Sở Nội vụ có đến năm cấp phó, Sở Y tế có bốn cấp phó. Cạnh đó vẫn còn tình trạng số lượng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn nhân viên như Sở LĐ-TB&XH có 22 trưởng, phó phòng/15 chuyên viên. Một số sở khác số lãnh đạo cũng khá nhiều như Sở Y tế có 17 trưởng, phó phòng/18 chuyên viên, Sở Tư pháp có 19 trưởng, phó phòng/24 chuyên viên.
Bộ Nội vụ “kê đơn bốc thuốc”
Giải trình với đoàn giám sát của QH về tình trạng dư cấp phó, câu trả lời chung từ các địa phương thường xoay quanh các lý do như do tồn tại lịch sử của việc sáp nhập các sở, do công việc chuyên môn quá nhiều. Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 24/2014, số lượng cấp phó ở các sở không quá ba người nhưng cho phép các sở thuộc UBND TP.HCM và Hà Nội không quá bốn người.
Tuy nhiên, Nghị định 24 lại không quy định cụ thể về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của tổ chức, đơn vị thuộc sở dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong việc quản lý công tác cán bộ tại các tổ chức, đơn vị này. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng “bùng nổ” cấp phó ở các phòng ban chuyên môn thuộc sở.
Bộ Nội vụ mới đây đã trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2014 để bịt những lỗ hổng của quy định hiện hành. Theo đó, dự thảo quy định chặt hơn: “Số lượng phó giám đốc sở thuộc UBND cấp tỉnh loại đặc biệt và
loại I có không quá ba phó giám đốc; sở thuộc UBND cấp tỉnh loại II và loại III có không quá hai phó giám đốc”.
Đặc biệt, dự thảo quy định cả số lượng cấp phó của phòng chuyên môn thuộc sở. Theo đó, đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở và thuộc chi cục thuộc sở nếu có từ năm đến 10 biên chế được bố trí một phó trưởng phòng; nếu phòng có trên 10 biên chế trở lên được bố trí không quá hai phó trưởng phòng.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng giải pháp căn cơ là phải rà soát lại các quy định về bổ nhiệm cấp trưởng và cấp phó ở từng cấp, từng ngành. Bởi ở cấp cao chắc chắn cơ cấu phải khác cấp dưới do tính chất từng ngành, từng nhiệm vụ.
“Trước mắt, cần yêu cầu tất cả cơ quan, địa phương báo cáo về số lượng cấp phó để chấn chỉnh. Việc nhiều sở, ngành có nhiều cấp phó có thể là do lịch sử để lại nhưng vấn đề là pháp luật về cấp phó đã không được tuân thủ nghiêm. Việc xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu, cấp ủy cho phép bổ nhiệm cấp phó không đúng quy định cần phải được tiến hành” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
2 trường hợp kinh điển Đó là Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa từng có đến tám phó giám đốc và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người là lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Cụ thể, ở Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, vào thời điểm tháng 7-2016 có tới tám phó giám đốc, gấp gần ba lần so với quy định. Đến thời điểm này Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa còn năm phó giám đốc, trong đó có một phó kiêm nhiệm và sẽ nghỉ hưu vào năm 2018. Còn tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, với 44 người giữ các chức vụ từ phó phòng trở lên, nhiều phòng, ban của sở này có tới 4-5 phó phòng. Trong đó, Văn phòng Sở, Phòng Kế hoạch-Tài chính, Phòng Lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Thanh tra Sở có bốn cấp phó. Riêng Phòng Việc làm, an toàn lao động có đến năm phó phòng… |