Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc ngày 30-3 giữa đoàn giám sát của Quốc hội với UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Số lượng lãnh đạo “áp đảo” nhân viên
Tại buổi làm việc, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đặt vấn đề số lượng cấp phó ở một số sở của TP còn nhiều như Sở Nội vụ có đến năm cấp phó, Sở Y tế có bốn cấp phó... Như vậy là dư so với quy định mỗi sở chỉ có ba cấp phó.
Cạnh đó, bà Xuân cũng nêu thêm vấn đề về số lượng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn nhân viên như Sở LĐ-TB&XH có 22 trưởng, phó phòng/15 chuyên viên. Một số sở khác số lãnh đạo cũng khá nhiều như Sở Y tế có 17 trưởng, phó phòng/18 chuyên viên, Sở Tư pháp có 19 trưởng, phó phòng/24 chuyên viên…
“Có cần thiết số lượng trưởng phòng phải lớn như vậy không?” - bà Xuân hỏi.
Cùng vấn đề này, GS Trần Ngọc Đường, thành viên đoàn giám sát, cũng cho rằng qua việc đi giám sát thấy vấn đề này khá phổ biến, không chỉ ở địa phương mà cấp bộ cũng có tình trạng như vậy.
“Có phải xuất phát từ lợi ích hay từ yêu cầu quản lý nhà nước cần phải có nhiều lãnh đạo mới làm được?” - GS Đường đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết TP đang tính toán phương án sắp xếp lại các cấp phó dư so với quy định. Ảnh: N.NAM
Dư cấp phó do tồn tại lịch sử
Trả lời đoàn giám sát, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, khẳng định “đến giờ này chưa có trường hợp nào có dấu hiệu lợi ích khi bố trí cấp phó”.
Chủ tịch UBND TP Võ Thành Thống cho biết đến nay TP mới chỉ tinh giản biên chế được 92/2.529 trường hợp (chiếm 3,6%). Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn chưa đạt hiệu quả cao.
Ông Thống cũng thông tin thêm: Sở Nội vụ có năm cấp phó thì một người biệt phái nên dư một người so với quy định. Mặt khác, sở này ghép lại từ các sở, ngành trước đây gồm nội vụ, thi đua khen thưởng, tôn giáo nên hiện trạng tồn tại là như thế.
Ban Dân tộc có bốn phó ban, dư một người vì yêu cầu cần có người dân tộc để đáp ứng tình hình thực tiễn. Sở Y tế có bốn phó giám đốc, dư một người là do nhu cầu công tác, trong đó có hai phó giám đốc lớn tuổi, sắp nghỉ hưu. Sở KH&ĐT dư hai phó giám đốc nhưng là có từ trước khi có Nghị định 24/2014.
“TP đang tính toán phương án sắp xếp lại các cấp phó dư so với quy định cho phù hợp với Nghị định 24 và tình hình thực tế của địa phương” - ông Thống cho hay.
Lý giải thêm, bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết Sở có chín phòng chuyên môn nhưng có 10 phó trưởng phòng là do Phòng Lý lịch tư pháp có hai phó phòng. Theo bà Yến, phòng này có công việc rất nhiều nên Sở đề nghị Sở Nội vụ tăng thêm một người để phụ với trưởng phòng giải quyết công việc và được đồng ý.
Đại diện Sở Y tế cho hay Sở có bảy phòng nhưng 10 cấp phó là do có hai phòng chuyên môn đa lĩnh vực và Thanh tra Sở cần thêm một cấp phó để giải quyết công việc. Trong khi đó, Sở LĐ-TB&XH - đơn vị có đến 22 trưởng, phó phòng/15 chuyên viên không có đại diện giải trình tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội.
Tại sao bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng? Tại buổi giám sát, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đặt vấn đề về việc tại sao ở Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm TP Cần Thơ đã có bốn phó giám đốc mà vẫn bổ nhiệm thêm Vũ Minh Hoàng (Vụ phó Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - PV) làm phó giám đốc nữa? Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết TP thấy Vũ Minh Hoàng có học hành, đặc biệt ngoại ngữ, rất cần cho công việc bố trí tại trung tâm. Việc tiếp nhận trên cơ sở người này đã là phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nên tiếp nhận về phải bố trí vị trí tương ứng. “Xuất phát từ lúc đầu chúng tôi cần cho công việc. Vấn đề đúng sai, TP được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có đoàn vào kiểm tra nhưng chưa kết thúc nên chưa có kết luận sau cùng. TP chờ kết luận sẽ có xử lý tiếp theo” - ông Thống nói. |