Triển khai Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2

Ngày 19-12 tại Tiền Giang, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Giai đoạn 2).

Phát biểu tại lễ triển khai thi công dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh,  kênh Chợ Gạo là tuyến kênh đường thuỷ nội địa độc đạo nối ĐBSCL với TP.HCM. Bộ GTVT đã thực hiện nâng cấp giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ năm 2016 đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá. Đồng thời bảo vệ chống xói lở bờ Bắc kênh kênh Chợ Gạo, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân dọc tuyến kênh đoạn đã thực hiện đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại buổi lễ triển khai thi công dự án. Ảnh: PV

Nhưng những năm gần đây, với sự tăng trưởng của phương tiện lưu thông, kênh Chợ Gạo thường xuyên bị tắc ngẽn giao thông, va chạm, sạt lở dọc hai bên kênh. Vì vậy Bộ GTVT đã phê duyệt thực hiện giai đoạn 2 để đạt chuẩn kênh cấp II.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, việc nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo ngoài đáp ứng năng lực lưu thông đường thuỷ, dự án còn góp phần ổn định đời sống người dân dọc bờ kênh.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, tư vấn phải tập trung cao độ để thực hiện dự án. Trong quá trình thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn phòng dịch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng.

Theo đó, giai đoạn 2 của dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư là 1.336 tỷ đồng, thực hiện hoàn thành năm 2023. Sau khi hoàn thành sẽ khai thác trên toàn tuyến kênh theo chuẩn tắc luồng cấp II đường thủy nội địa, khắc phục vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền, đáp ứng lượng hàng và đội tàu qua kênh. Xử lý các đoạn sạt lở bờ xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện nghi thức triển khai thi công dự án. Ảnh: PV

Dự án gồm các hạng mục chính: Nạo vét mở rộng 9,85km luồng chạy tàu bờ Nam kênh Chợ Gạo (từ Km12+000 - Km21+850) với tổng khối lượng nạo vét 716.869 m3;  Xây dựng 9,85km kè bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo; Xây dựng hoàn trả 2 cầu và 9,76km đường dân sinh dọc tuyến; Lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu báo hiệu.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Giai đoạn 2) chia làm 3 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu CG2-XL01: Thi công nạo vét, xây dựng bãi đổ đất, kè bảo vệ bờ, cầu và đường dân sinh đoạn từ Km12+000 - Km15+250 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Các gói thầu CG2-XL02: Thi công nạo vét, xây dựng bãi đổ đất, kè bảo vệ bờ, cầu và đường dân sinh đoạn từ Km15+250 - Km18+375. Và  gói thầu CG2-XL03: Thi công nạo vét, xây dựng bãi đổ đất, kè bảo vệ bờ và đường dân sinh đoạn từ Km18+375 - Km21+850 đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến triển khai thực hiện lần lượt trong tháng 1 và tháng 2-2022.

Nhiều tàu thuyền lưu thông qua kênh Chợ Gạo. Ảnh: ĐH

Theo đó, việc triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 của dự án sẽ là động lực rất lớn để góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, giảm thiểu tắc nghẽn cũng như áp lực vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH, giảm tỉ lệ các vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải.

 

Toàn tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5 km, đi qua 17 xã và thị trấn của huyện Châu Thành (Long An) và thị xã Gò Công (Tiền Giang). Đây là tuyến kênh vận tải đường thủy huyết mạch ở ĐBSCL (từ TP.HCM đi Cần Thơ - Cà Mau)

Mỗi ngày/đêm, tuyến kênh này có hơn 1.500 lượt phương tiện đường thủy qua lại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vùng ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại. Thời gian qua, dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực giảm áp lực giao thông cho tuyến đường thủy độc đạo này, tuy nhiên tình trạng ghe tàu vẫn xếp hàng dài để qua kênh.  

Cùng với đó tình trạng sạt lở trên kênh xảy ra rất nghiêm trọng trong nhiều năm liền, là mối hiểm họa đối với người dân sống hai bên bờ tuyến kênh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm