Triển khai kinh tế số đến từng người dân

(PLO)- Đào tạo nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sạch là những việc cần làm ngay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát triển kinh tế số (KTS) là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mọi công dân. Vậy nên, thực hiện những chỉ tiêu KTS của TP.HCM không chỉ là việc của những nhà hoạch định chính sách mà còn là đời sống hằng ngày của mỗi người dân.

Ý kiến từ đại diện giới nghiên cứu và doanh nghiệp (DN) cho thấy TP.HCM cần có quyết sách, chiến lược để mỗi người dân là DN, vừa là nhà kinh doanh vừa là người tiêu dùng trong nền KTS.

Đào tạo nhân lực cho kinh tế số

Theo TS Nguyễn Thị Cành (ĐH Quốc gia TP.HCM), trên thế giới, để xây dựng đô thị thông minh, một số TP có tới trên 80% dân số đã qua đào tạo đại học. Trong khi đó, TP.HCM chỉ có khoảng 30% lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Đây là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, vì trình độ càng hạn chế thì càng khó tiếp thu công nghệ.

Ở TP.HCM, các dịch vụ như taxi hay bưu điện dù gặp khó khăn nhưng vẫn có thể chuyển đổi số được. Những người bán hàng ngoài chợ gồm người lớn tuổi, người từ các vùng quê đến làm ăn khó chuyển đổi vì đa số có trình độ hạn chế. Hiện nay, những người này đang bị kinh doanh online cạnh tranh dữ dội và từng bước chiếm hết thị phần thị trường, khách hàng. Chưa kể những người sống ở khu vực nông thôn cũng rất khó khăn trong việc mua bán hàng online.

“Trước hết, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho nhóm đối tượng trên, không để người kinh doanh, người tiêu dùng chịu vất vả, chịu thiệt thòi. Thậm chí ban đầu có thể giúp họ cả khâu kỹ thuật chi tiết vì phải qua huấn luyện một thời gian mới quen được” - TS Nguyễn Thị Cành nói.

Kinh doanh truyền thống đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ kinh doanh online. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kinh doanh truyền thống đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ kinh doanh online.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Yêu cầu phát triển KTS đang làm thay đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh mới khiến cơ cấu ngành nghề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam thay đổi. TP.HCM cần có đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ KTS đến năm 2030, trong đó có một số chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề do TP quản lý. Cần phân loại, sắp xếp tầm quan trọng của các cơ sở đào tạo theo ngành phải đầu tư phục vụ phát triển KTS.

TS Nguyễn Thị Cành nhận định: TP.HCM cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề mới mà tự bản thân người lao động khó thích nghi. TP có thể đưa ra cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động (phối hợp ba nhà: nhà trường - DN hay đơn vị sử dụng lao động và Nhà nước).

TP.HCM cũng cần một số chính sách thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ số.

Phát triển kinh tế tuần hoàn bằng công nghệ số

ThS Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, khẳng định: Nước ta hiện nay đang vận hành nền kinh tế tuyến tính. Mô hình kinh tế này bắt đầu từ khai thác tài nguyên rồi sản xuất, phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Đây chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

“Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để từ kinh tế tuyến tính chuyển sang kinh tế tuần hoàn như một số nước phát triển đã thực hiện” - ThS Đinh Hồng Kỳ phân tích.

Kinh tế tuần hoàn chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, không sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống, mô hình kinh doanh. Kinh tế tuần hoàn biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hoặc thực hiện chu trình tuần hoàn trong nội tại DN. Đây là mô hình kinh tế giảm khai thác tài nguyên, chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị cho DN.

Sợi dây xuyên suốt của kinh tế tuần hoàn là công nghệ số. Việc số hóa mọi khâu trong chu trình khép kín sản xuất - phân phối - tiêu thụ - thải loại sẽ khiến các tiêu chuẩn được thực hiện chính xác, khoa học, đem lại hiệu quả cao. Chu trình số hóa này không chỉ được thực hiện với mỗi DN mà cần thiết kế cho toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân đều tham gia chu trình.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm