Ngày 16-10 (giờ Mỹ), phát biểu trước Ủy ban Giải giáp vũ khí của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Kim In-ryong, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu đựng "đe dọa hạt nhân nghiêm trọng và trực tiếp" từ Mỹ xuyên suốt từ những năm 1970 đến nay. Ông tuyên bố Bình Nhưỡng có mọi quyền sở hữu vũ khí hạt nhân vì mục đích tự vệ.
Bên cạnh việc phản đối đến các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn có sử dụng "khí tài hạt nhân" của Mỹ tại khu vực, ông Kim In-ryong cũng cáo buộc Washington đang âm mưu "dàn dựng một chiến dịch bí mật" với mục tiêu lật đổ giới lãnh đạo tại Bình Nhưỡng. Ông cũng cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên "đã đạt đến điểm sắp bùng nổ và chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào" - hãng tin AP cho biết.
Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được vũ khí hạt nhân có khả năng phóng đi ở nhiều tầm bắn khác nhau. Ảnh: AFP
Theo phó đại sứ Triều Tiên, đất nước của ông hiện đã hoàn thiện "lực lượng hạt nhân quốc gia và đã trở thành một cường quốc hạt nhân hoàn chỉnh, nắm trong tay phương tiện phóng vũ khí hạt nhân ở nhiều tầm bắn khác nhau bao gồm bom nguyên tử, bom H và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa".
Ông Kim In-ryong cảnh báo: "Toàn bộ lãnh thổ đất liền của Mỹ đều nằm trong tầm bắn của chúng tôi. Nếu Mỹ dám xâm lược lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi, dù chỉ là một tấc đất, họ sẽ không tài nào thoát được sự trừng phạt kinh hoàng dù có trốn ở nơi nào trên địa cầu này".
Bài phát biểu của ông Kim In-ryong tại Liên Hiệp Quốc là thông điệp đe dọa mới nhất Bình Nhưỡng gửi tới Washington từ đầu tháng đến nay. Ngày 16-10, Hạm đội 7 hải quân Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn với lực lượng Hàn Quốc. Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với mục đích đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên đã khiến giới lãnh đạo Bình Nhưỡng vô cùng tức giận.
Triều Tiên luôn giữ lập trường chỉ chấp nhận đàm phán một khi Mỹ chấm dứt "chính sách thù địch" nhắm vào Triều Tiên. Các hoạt động tập trận quy mô lớn thường xuyên của liên quân Mỹ-Hàn cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên được xem là một phần trong "chính sách thù địch" này.
Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan di chuyển cùng tàu hộ tống. Hiện tàu sân bay này đang tập trận tại vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc gọi kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của đất nước ông là "tài sản quý báu không thể phá bỏ hay đánh đổi cho bất cứ điều gì khác". Ông tuyên bố: "Trừ phi chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ được xóa bỏ hoàn toàn, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán dưới bất kỳ điều kiện gì".
Ông Kim In-ryong cũng nhấn mạnh với Ủy ban Giải giáp vũ khí rằng Bình Nhưỡng đã từng hy vọng về một thế giới phi hạt nhân. Tuy nhiên, tất cả cường quốc hạt nhân vẫn đang tăng tốc hiện đại hóa kho vũ khí và “đang hồi sinh cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân không khác gì thời Chiến tranh lạnh”, nhà ngoại giao Triều Tiên nhận định. Ông cũng chỉ ra rằng chính những cường quốc hạt nhân, trong đó có Mỹ, cũng đã tẩy chay các cuộc đàm phán Hiệp định cấm vũ khí hạt nhân vừa được 122 quốc gia tại Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 7-2017.
Ông Kim In-ryong tuyên bố: "CHDCND Triều Tiên luôn luôn ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và các nỗ lực phi hạt nhân hóa toàn cầu". Tuy nhiên, nhà ngoại giao Triều Tiên cũng nhấn mạnh nếu như Mỹ vẫn tiếp tục chối bỏ hiệp định trên và "liên tục đe dọa CHDCND Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân" thì Bình Nhưỡng cũng không thể nào chấp nhận hiệp định.