Mặc dù tình trạng không khí liên tục xuất hiện các lớp sương mù dày đặc từ sáng tới chiều đã diễn ra nhiều ngày nay nhưng đến chiều 24-9, thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến sự cố môi trường (SCMT) nêu trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố. Nhiều người dân lo lắng cho sức khỏe vì không rõ nguyên nhân của hiện tượng thời tiết bất thường này.
Một câu hỏi đặt ra là khi xuất hiện những sự cố ô nhiễm môi trường thì cơ quan nào có trách nhiệm đưa ra cảnh báo về SCMT?
TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Theo khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) thì SCMT là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
Về trách nhiệm xác minh, điều tra nguyên nhân của SCMT, Điều 111 Luật BVMT quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do SCMT gây ra trên địa bàn. Nếu SCMT xảy ra trên địa bàn liên tỉnh thì Bộ TN&MT có trách nhiệm chỉ đạo các tỉnh tổ chức điều tra, xác minh, xác định phạm vi ô nhiễm.
Trời vẫn mù mịt chiều 24-9 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Trường hợp SCMT chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Như vậy có thể thấy các văn bản hiện nay chưa có quy định cụ thể cơ quan nào sẽ đứng ra cảnh báo về rủi ro khi SCMT xảy ra. Các văn bản quy phạm pháp luật hầu như chỉ mang tính hướng dẫn chung. Trách nhiệm cụ thể của các ban, ngành và cơ chế phối hợp cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Một vấn đề khác là khi SCMT xảy ra, không nhiều thì ít cũng có tác động không tốt đến sức khỏe của con người. Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp về y tế để đảm bảo sức khỏe?
Về vấn đề này, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường trực thuộc Chi cục BVMT TP.HCM (Sở TN&MT TP.HCM), cho rằng Sở TN&MT đang thực hiện việc quan trắc. Tuy nhiên, do hiện nay việc quan trắc được thực hiện thủ công nên chưa thể có kết quả ngay. “Chúng tôi cần có thời gian để phân tích, khi có kết quả chúng tôi mới công bố và có cảnh báo cho người dân. Dựa trên những số liệu quan trắc sẽ phản ánh được thực trạng ô nhiễm chất lượng môi trường ở TP.HCM, về góc độ môi trường chúng tôi cũng có thể đưa ra một số khuyến cáo. Tuy nhiên, để mang tính chất cụ thể hơn và sâu hơn cũng cần có sự tham gia đánh giá và cảnh báo của các chuyên gia về y tế”.
Sẽ sớm công bố nguyên nhân Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Tung Sơn cho biết: “Trung tâm đang tăng cường quan trắc để có kết quả về vấn đề ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Chúng tôi sẽ sớm công bố kết quả quan trắc này”. Ông Sơn phân tích thêm: “Theo tôi, nguyên nhân ô nhiễm không khí là do chuyển mùa, hiện tượng này mang tính chất chu kỳ. Một nguyên nhân khác là chất ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, công nghiệp. Có một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính gây ô nhiễm tại TP.HCM mấy ngày qua là do khói bụi cháy rừng từ Indonesia, theo tôi thì thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo vì chưa có công nhận chính thức cũng như cơ sở vững vàng nào cho thấy tác động ô nhiễm không khí là do cháy rừng”. |