Boeing AH-64D Apache:
Một trong những tính năng mang tính cách mạng trên AH-64 Apache là màn hình hiển thị trong mũ phi công hay IHADSS. Với chiếc mũ này, phi công hay pháo thủ có thể điều khiển khẩu súng tự động M230 cỡ đạn 30 mm lắp bên dưới máy bay nhắm bắn mục tiêu chỉ với việc chuyển động đầu về mục tiêu đang quan sát. Khẩu M230E1 có thể được khóa cố định hướng về trướng hoặc được điều khiển thông qua hệ thống Target Acquistion & Designation System (TADS). Hiệu suất chiến đấu tiêu chuẩn của một pháo thủ trên AH-64 Apache thường tiêu diệt ít nhất 1 phương tiện hoặc 1 mục tiêu trong một loạt đạn 30 viên ở cự ly từ 800 đến 1200 m.
AH-64 được thiết kế để chịu được các môi trường hoạt động khác nhau và để vận hành trong suốt cả ngày và đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết nhờ hệ thống cảm biến và điện tử hàng không tiên tiến. Các hệ thống này bao gồm hệ thống chọn và khóa mục tiêu TADS, hệ thống tầm nhìn phi công ban đêm PNVS, hệ thống đối phó hồng ngoại bị động, định vị GPS và mũ phi công IHADSS. Một hệ thống mới hơn là Arrowhead đã được Lockheed Martin phát triển thay thế cho TADS/PNVS và kể từ năm 2005 thì Arrowhead đã xuất hiện trên những chiếc Apache của quân đội Mỹ.
Về phiên bản AH-64D Apache Longbow thì đây là một phiên bản cải tiến được trang bị gói cảm biến tiên tiến và buồng lái được thiết kế theo mô hình Glass Cockpit. Những cải tiến chính trên AH-64D so với AH-64A là đỉnh tròn radar được lắp trên rotor cánh quạt chính. Bên trong radome này là radar kiểm soát khai hỏa bằng sóng millimet (FCR) AN/APG-78 Longbow, hệ thống khóa mục tiêu và radar đo giao thoa tần số (RFI). Vị trí radome được đặt cao hơn cho phép phát hiện các mục tiêu và phóng tên lửa trong khi trực thăng đang bay đằng sau các chướng ngại vật như địa hình, cây cối hoặc tòa nhà. Radar AN/APG-79 có khả năng theo dõi cùng lúc 128 mục tiêu và xác định 16 mục tiêu nguy hiểm nhất, cho phép khai hỏa chỉ trong 30 giây. Vào năm 2012, AH-64D được nâng cấp với hệ thống bắt mục tiêu trên mặt đất (GFAS) nhằm phát hiện và tấn công các nguồn hỏa lực trên mặt đất. GFAS gồm 2 cảm biến nhỏ được tích hợp trên 2 đèn chớp ở mũi máy bay. Cùng với các cảm biến có sẵn và camera hồng ngoại trên AH-64D, GFAS có thể xác định chính xác sự hiện diện của các mối đe dọa trên mặt đất ở khoảng cách thích hợp. GFAS có trường quan sát 120 độ và hoạt động hiệu quả ở tất cả điều kiện ánh sáng.
Giá của mỗi chiếc AH-64D Apache với hệ thống vũ khí tiêu chuẩn từ 52 đến 61 triệu USD.
Bell Boeing MV-22 (hay V-22) Osprey:
V-22 Osprey là một sản phẩm từ chương trình JVX của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Chương trình phát triển máy bay này được phát động vào năm 1981 nhằm tìm kiếm "một loại máy bay mới không chỉ có thể cất hạ cánh thẳng đứng mà còn có thể mang theo lực lượng chiến đấu và bay ở tốc độ cao" sau thất bại của Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin tại Iran vào năm 1980. Dưới sự dẫn dắt của Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến, chương trình JVX kết hợp tất cả các yêu cầu từ lực lượng thủy quân lục chiến, không quân, bộ binh và thủy quân Mỹ. Chương trình nhanh chóng thu hút sự chú ý của các hãng sản xuất lớn như Aerospatiale, Bell Helicopter, Boeing Vertol, Grumman, Lockheed và Westland. Nhóm thầu Bell Helicopter và Boeing Vertol đã dành được hợp đồng phát triển máy bay cho dự án JVX sau khi cả 2 hợp tác đệ trình một phiên bản mở rộng của nguyên mẫu máy bay rotor cánh quạt nghiêng Bell XV-15 vào tháng 2 năm 1983.
Vào tháng 1 năm 1985, 6 nguyên mẫu V-22 được giới thiệu và kể từ đây, Boeing Vertol bắt đầu mở rộng hợp đồng sản xuất. Công việc sản xuất được chia đều giữa Bell và Boeing. Bell sản xuất và lắp ráp cánh, vỏ động cơ, rotor, hệ thống lái, mặt đuôi, cửa sau, và tích hợp động cơ Rolls-Royce, hoàn thành khâu lắp ráp hoàn thiện. Trong khi đó Boeing sản xuất và lắp ráp thân máy bay, buồng lái, hệ thống kỹ thuật điện tử và kiểm soát chuyến bay. MV-22 Osprey là tên gọi của V-22 Osprey dành cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Nếu là phiên bản dành cho không lực Hoa Kỳ thì nó có tên là CV-22 Osprey.
Khung sườn máy bay có đến 43% vật liệu chế tạo từ composite. Các cánh quạt cũng được đúc bằng composite. Để tiện cho việc vận chuyển và lưu giữ trên tàu sân bay, các cánh rotor có thể gập gọn và cánh máy bay sẽ được xoay ngang với thân chỉ trong vòng 90 giây.
Bên trong buồng lái của V-22 được thiết kế theo mô hình Glass Cockpit với 4 màn hình hiển thị đa chức năng MFD, tương thích với kính quan sát ban đêm và một màn hình hiển thị trung tâm CDU cho phép phi công quan sát nhiều hình ảnh bao gồm bản đồ kỹ thuật số, hình ảnh từ hệ thống quan sát hồng ngoại FLIR, thông tin chuyến bay, dữ liệu dẫn đường và tình trạng hệ thống. Bảng điều khiển chính của hệ thống quản lý buồng lái CMS cho phép kích hoạt tính năng autopilot để máy bay có thể lơ lửng ở độ cao 15 m mà không cần đến tác động của phi công. Ngoài ra, V-22 Osprey còn khai thác công nghệ fly-by-wire - sử dụng tín hiệu điều khiển điện tử thay cho hệ thống cơ học. Các máy tính trên máy bay sẽ điều khiển trạng thái bay của máy bay tương ứng với chỉ thị của phi công. Buồng lái bao gồm 4 người gồm 1 cơ trưởng, 1 cơ phụ và 2 kỹ sư.
Mỗi chiếc V-22 Osprey có giá khoảng 68 triệu USD và ngoài Hoa Kỳ, Israel và Nhật Bản là 2 quốc gia vừa đặt mua lần lượt 6 và 17 chiếc V-22 Osprey hồi đầu năm nay.