Ngày 24-12, hơn 250 cặp đôi ở Ấn Độ đã cùng trao lời thề vợ chồng trong một lễ kết hôn tập thể được tổ chức bởi một nhà buôn kim cương giàu có người Ấn, theo tờ Dailymail của Anh.
251 cô gái Ấn Độ mồ côi cha tham gia lễ kết hôn tập thể ở bang Gujarat. Ảnh: AP
Lễ kết hôn tập thể diễn ra ở TP Surat, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ với sự tham gia của 251 cặp đôi trẻ, trong đó có năm cặp đôi theo đạo Hồi, một cặp đôi theo Cơ Đốc giáo và hai cô gái dương tính với HIV.
Các cô gái Ấn Độ tham gia lễ cưới theo nghi lễ truyền thống Kanyadaan. Ảnh: AP
Nhà buôn kim cương có tên Mahesh Savani ở bang Gujarat đã chi tiền tổ chức sự kiện này. Một điều đặc biệt là 251 cô gái trên là những cô gái mồ côi cha.
Các cô dâu Ấn Độ với trang phục truyền thống và hình xăm henna thực hiện nghi thức cùng chú rể. Ảnh: AP
Ông Savani đã chi tiền và tổ chức các đám cưới tập thể cho những cô gái mồ côi cha ở bang Surat như thế này mỗi năm kể từ năm 2012.
Tại sự kiện, ông Savani đã thực hiện nghi lễ “Kanyadaan”, theo đó người cha sẽ đứng ra trao quà và chính thức gả con gái vào ngày trọng đại.
Ông Savani (áo xanh) chúc phúc cho cô dâu theo đạo Cơ Đốc Priyanka Gamit. Ảnh: AP
Hàng trăm cô dâu ăn mặc sặc sỡ với trang phục truyền thống Ấn Độ cùng trang sức lộng lẫy đã tham gia lễ kết hôn trong sự chứng kiến của hàng ngàn khách mời ở TP Surat.
Nhiều lễ vật như trang sức và vật dụng gia đình đã được trao trong lễ cưới. Ảnh: AP
Trong những năm trước, ông Savani thường trao quà cưới là vàng và các vật dụng trong gia đình, gồm ghế sô pha và giường ngủ, với tổng trị giá 500.000 rupee (7.400 USD) cho mỗi cô dâu để họ bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Một cặp đôi theo đạo Cơ Đốc tham gia nghi thức lễ cưới khi pháo bông được bắn ra giữa trời đêm. Ảnh: AP
Ông Savani cho biết ông cảm thấy “có trách nhiệm xã hội” để giúp các phụ nữ không có khả năng tổ chức đám cưới cho mình. “Tôi có bổn phận như cha của họ” - ông Savani trả lời phỏng vấn báo Indian Express.
Hàng ngàn khách mời có mặt tại lễ kết hôn tập thể của 251 cô gái Ấn Độ. Ảnh: AP
Việc tổ chức lễ kết hôn tại Ấn Độ thường đắt đỏ. Gia đình cô dâu theo truyền thống thường phải trao cho phía gia đình chú rể quà cáp cùng tiền mặt hoặc trang sức.
Đồng thời, theo truyền thống Ấn Độ, cha sẽ là người đứng ra trao quà cưới. Điều này đồng nghĩa với việc nếu cha của một gái chết hoặc gia đình nghèo khó thì cơ hội các cô gái được gả là khá thấp.