Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 21-6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc đã lớn tiếng nói với một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng Bắc Kinh có thể sẽ rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu tòa Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của nước này trên biển Đông.
Theo Kyodo, Trung Quốc nghĩ rằng kịch bản tồi tệ nhất mà Bắc Kinh có thể phải đối mặt là PCA ra phán quyết bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, khẳng định những yêu sách của nước này không dựa theo luật pháp quốc tế và “đường chín đoạn” mà nước này đơn phương lập ra trên biển Đông là vô hiệu.
Bãi cạn Scarborough là thực thể mà Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Reuters
Trung Quốc cũng đã ám chỉ rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS, một công ước được coi là bản hiến pháp của các đại dương, nếu kịch bản này xảy ra.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã phê chuẩn UNCLOS và trở thành một thành viên của công ước từ năm 1996 nhưng nước này vẫn khăng khăng không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA.
Trung Quốc ngang nhiên chỉ trích Manila đơn phương đệ đơn kiện Bắc Kinh lên PCA đồng thời phá vỡ các thỏa thuận trước đó giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh còn lớn tiếng nói Mỹ không có quyền bàn về vụ kiện của PCA vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, vụ kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở biển Đông do Philippines khởi xướng đã được rất nhiều nước ủng hộ, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Các nước xem đây là một giải pháp nhằm giải quyết những bất đồng và tháo gỡ căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.