Trung Quốc đòi Ấn Độ rút hết quân

Trong một tuyên bố được đăng ngày 9-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) nói rằng vẫn còn 53 binh sĩ cùng một xe ủi đất của Ấn Độ nằm “phi pháp” trong lãnh thổ TQ trên cao nguyên Dokalam (TQ gọi là Donglang) tính tới ngày 7-8, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).

Tăng hiện diện quân sự

“TQ muốn nhấn mạnh rằng Ấn Độ phải rút toàn bộ quân nhân và vũ khí về phần biên giới của Ấn Độ. Bất kỳ binh sĩ Ấn Độ nào vẫn còn hiện diện trên phần đất TQ đều là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng lãnh thổ TQ” - Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố.

Trước đó, Bộ Ngoại giao TQ hôm 2-8 công bố một tài liệu dài 15 trang cho biết có hơn 40 lính Ấn Độ còn có mặt ở cao nguyên Dokalam. Tuy nhiên, phía Ấn Độ thời điểm đó đã bác bỏ thông tin này. Tờ Hindustan Times dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết số binh sĩ Ấn Độ hiện vẫn giữ nguyên và duy trì vị trí đóng quân trước đây.

Trong khi đó Bắc Kinh vẫn tăng cường hiện diện quân sự cả trong và gần điểm nóng Dokalam, tờ Indian Express ngày 10-8 cho biết. Ở cách cao nguyên Dokalam khoảng 1 km, quân đội TQ đã dựng lên 80 lều dã chiến. Số binh sĩ TQ trong khu vực hiện được ước tính gần 800 người. Trong đó có khoảng 300 binh sĩ TQ được triển khai ngay trong cao nguyên Dokalam. Ở phía đối diện, New Delhi triển khai tại khu vực 350 quân để giám sát phía TQ với 30 lều dã chiến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập hồi năm 2014. Ảnh: PRESS TRUST OF INDIA

Liên tiếp đe dọa

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngay từ đầu đã khẳng định cả hai bên phải cùng rút quân thì mới có thể tiến tới giải quyết căng thẳng. Thế nhưng TQ vẫn cương quyết đòi Ấn Độ chủ động rút quân vô điều kiện thì mới có đối thoại. Bắc Kinh trong bảy tuần qua đã từ chối phản hồi nhiều đề nghị cùng rút quân của Ấn Độ, Reuters ngày 9-8 cho biết.

Hôm 8-8, Hiệp hội Nhà báo toàn quốc TQ (ACJA) đã mời một phái đoàn báo chí Ấn Độ để nói về lập trường của Bắc Kinh. Bà Vương Văn Li, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và hải đảo Bộ Ngoại giao TQ, nói tại buổi họp: “Dù chỉ còn một binh sĩ Ấn Độ ở lại, thậm chí trong một ngày thì đó vẫn là hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi. Sẽ không có cuộc đối thoại nào cho đến khi phía Ấn Độ rút hết quân khỏi lãnh thổ TQ”.

Bà Vương còn chỉ trích tuyên bố của Ấn Độ nói rằng việc TQ xây đường ở Dokalam đã làm thay đổi hiện trạng khu vực. Bà cũng cảnh báo Ấn Độ nên nghĩ lại về lập luận này, bóng gió đến khả năng TQ can thiệp vào vấn đề Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. “Chúng tôi không nghĩ phía Ấn Độ lại có thể dùng ngã ba biên giới Dokalam như một cái cớ. Vậy chuyện gì sẽ diễn ra nếu chúng tôi cũng dùng một cái cớ tương tự và đi vào khu vực Kalapani nằm giữa TQ - Ấn Độ - Nepal hoặc thậm chí đi vào khu vực Kashmir giữa Ấn Độ-Pakistan” - bà Vương nói.

Theo Press Trust of India, đây là lần đầu tiên một quan chức TQ lôi kéo vấn đề Kashmir vào căng thẳng ở Dokalam.

Dokalam hiện là khu vực tranh chấp giữa Bhutan và TQ. Căng thẳng ở Dokalam tăng nhanh kể từ tháng 6 năm nay sau khi Bắc Kinh đơn phương xúc tiến xây một con đường chạy xuyên qua cao nguyên này. Bộ Ngoại giao Bhutan tháng 6-2017 nhấn mạnh: “Việc xây con đường bên trong lãnh thổ Bhutan là hành động vi phạm trực tiếp các thỏa thuận năm 1988 và 1998 giữa Bhutan và TQ, đồng thời ảnh hưởng tới quá trình phân định biên giới giữa hai nước”.

________________________________

Khả năng xảy ra một cuộc xung đột ở Dokalam là khá thấp. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ không đi tới chiến tranh.

SRIKANTH KONDAPALLI, GS ĐH Jawaharlal Nehru
tại New Delhi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm