TP Hạ Môn (TQ) trong gần hai tháng nữa sẽ trở thành “chủ nhà” của hội nghị thượng đỉnh BRICS. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, các chuyên gia lo ngại rằng Bắc Kinh và New Delhi khó có thể “kiềm chế” được căng thẳng leo thang và sẽ tác động đến sự đoàn kết trong khối BRICS.
“Xung đột gần đây đã phản ánh sự mất tin tưởng về chiến lược dài hạn giữa hai nước. Nếu căng thẳng tiếp tục trầm trọng hơn nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xây dựng trật tự thế giới mới của nhóm BRICS tại hội nghị năm nay” - ông Pang Zhongying, chuyên gia tại ĐH Hải Dương, TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (TQ), cho biết. Trước mắt, xung đột biên giới đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán giao thương sản phẩm nông nghiệp song phương. Bắc Kinh mới đây đã trì hoãn đưa ra quyết định mở rộng thị trường nước này đối với các mặt hàng gạo, thịt bò, đậu bắp và quả lựu của Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, New Delhi duy trì lệnh cấm nhập khẩu táo, lê và các sản phẩm từ sữa của TQ, theoBưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Nguyên Chủ tịch Viện nghiên cứu TQ ở New Delhi Manoranjan Mohanty phân tích rằng đối đầu Trung-Ấn là thách thức cho toàn thể nhóm BRICS. Brazil, Nga và Nam Phi đều có mối quan hệ thân thiết với cả TQ và Ấn Độ. Tranh chấp biên giới giữa hai nước đe dọa “tổn hại đến các cuộc thảo luận đa phương” trong khối BRICS. “Trong bối cảnh Anh rời khỏi khối EU và thái độ của Tổng thống Trump đối với các vấn đề quốc tế, thượng đỉnh BRICS năm nay sẽ mở ra giai đoạn mới cho nhóm này đề xuất và thực hiện các sáng kiến lãnh đạo toàn cầu. Nếu lãnh đạo các nước không nắm bắt thời cơ, họ sẽ thất bại với nhiệm vụ mang tính lịch sử này” - ông Mohanty nhận định.
Hội nghị BRICS sắp tới đây sẽ là cơ hội lãnh đạo hai nước bàn bạc về một lộ trình mới để tránh các xung đột trong tương lai. Ngoài ra, các kênh ngoại giao giữa TQ và Ấn Độ cũng như các thỏa thuận kinh doanh liên tiếp của nhóm BRICS bao gồm các cuộc gặp bộ trưởng cho thấy một dấu hiệu tích cực rằng Bắc Kinh và New Delhi có thể “hạ nhiệt” được khủng hoảng.