Ngày 7-7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình cũng bước đến hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) với những nụ cười và những cái bắt tay lịch thiệp. Nhưng đằng sau những cử chỉ ngoại giao thân thiện đó là sự đối đầu ngày một căng thẳng giữa hai gã khổng lồ châu Á xoay quanh các tranh chấp mới nhất trên khu vực Himalaya.
Mỹ ngả về Ấn Độ?
Xung đột biên giới Trung-Ấn không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, những diễn biến lần này tại khu vực Doklam, bùng phát ra sau khi TQ đơn phương cho binh lính và xe tải đến xây đường trên vùng đất còn tranh chấp với Bhutan, lại ẩn chứa nhiều rủi ro nguy hiểm.
Đại sứ TQ tại Ấn Độ ngày 5-7 cảnh báo tranh chấp biên giới Trung-Ấn tại khu vực Himalaya là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong hơn 30 năm qua. Các chuyên gia lo ngại xung đột lần này có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn tới xung đột vũ trang trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân, tờ The Washington Post cho biết.
Vụ đối đầu giữa biên phòng Ấn Độ và nhóm binh sĩ TQ xảy ra vào cuối tháng qua, ngay giai đoạn Thủ tướng Modi đang có chuyến công du đến Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump. Nhiều nhà phân tích Ấn Độ nghi ngờ TQ đã có sự tính toán về thời điểm hành động do lo ngại quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng khăng khít.
Ông Trump trong lần gặp ngày 24-6 đã gọi Thủ tướng Modi là “người bạn thật sự”. Lời khen này được đưa ra khi sự kiên nhẫn của Washington dành cho Bắc Kinh đối với vấn đề Triều Tiên cũng đang dần cạn kiệt. “TQ đang thể hiện rõ sự bất bình của mình đối với quan hệ Mỹ-Ấn” - ông Sameer Patil, Giám đốc Trung tâm cố vấn chính sách Gateway House, nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) sẽ không có cuộc gặp trực tiếp nào với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại thượng đỉnh G20. Ảnh: EPA
Nhân tố Bhutan
Tình hình căng thẳng kéo dài suốt 20 ngày qua cũng là lần đầu tiên TQ và Ấn Độ có mâu thuẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền của một nước thứ ba - Vương quốc Bhutan.
Đất nước tí hon trên vùng Himalaya có mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ. Đây cũng là nước đầu tiên được ông Modi chọn viếng thăm sau khi nhậm chức. Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến New Dehli quyết cứng rắn can thiệp chính là ý nghĩa chiến lược của vùng Doklam. Ấn Độ thừa nhận chủ quyền của Bhutan đối với khu vực phía Nam Doklam, nơi xảy ra đối đầu.
Theo các nhà phân tích Ấn Độ, khu vực này có ý nghĩa như con đường huyết mạch kết nối khu vực miền Trung Ấn Độ với vùng Đông Bắc xa xôi vốn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn tiềm tàng với TQ. Vào năm 2006, Bắc Kinh đã công khai gọi toàn bộ tỉnh Arunachal Pradesh nằm ở cực Đông Ấn Độ là “Nam Tây Tạng”, theo The Diplomat.
Vị thế quan trọng này của Bhutan cùng các kết nối truyền thống về chính trị lẫn văn hóa và tôn giáo khiến New Dehli quyết cứng rắn. Theo tờ The Indian Express, Ấn Độ đã cử thêm 100 quân đến khu vực đối đầu, cắm lều tại khu vực để sẵn sàng hành động. Phía TQ cũng có các điều động tương tự.
Ông Seshadri Chari, Tổng Thư ký Diễn đàn Tổng hòa an ninh quốc gia (FINS) của Ấn Độ, cho rằng New Dehli sẽ thực hiện mọi biện pháp khả dĩ để củng cố quân đội tại biên giới và sẵn sàng đáp trả mọi nỗ lực chiếm thêm lãnh thổ từ phía TQ gây bất lợi chiến lược cho Ấn Độ và Bhutan. Sự kiện G20 lần này cũng khó mở ra cơ hội để ông Modi và ông Tập tìm cách mở đường hạ nhiệt căng thẳng tại Doklam. New Dehli có vẻ vẫn chưa muốn lùi bước và không yêu cầu một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh G20, theo tờ India Today.
Ấn Độ đã điều động đội tàu chiến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ-Nhật-Ấn “Malabar” tại vịnh Bengan. Cuộc tập trận kéo dài 11 ngày và sẽ chính thức khởi động vào ngày 9-7. Đội tàu chiến Ấn Độ gồm tàu sân bay duy nhất của nước này INS Vikramaditya. Tháp tùng tàu này còn có sáu tàu chiến các loại, một tàu hậu cần và một tàu ngầm hạt nhân. _____________________________ 120 m là khoảng cách giữa binh sĩ Ấn Độ và TQ đang chốt tại vùng Doklam. Hai bên duy trì “khoảng cách dân sự” để tránh những rủi ro gây leo thang quân sự. |