“Bắc Kinh cần xem lại lập trường về vấn đề Sikkim. Mặc dù TQ năm 2003 đã công nhận việc Ấn Độ sáp nhập Sikkim, nước này vẫn có thể điều chỉnh lập trường” - tờ Thời Báo Hoàn Cầu nổi tiếng “diều hâu” cảnh báo. Bài viết cũng cáo buộc Ấn Độ đang tiến đến “bá quyền khu vực” và đòi nước này phải “trả giá”.
Lập luận này như đổ thêm dầu vào lửa đối với tình hình căng thẳng biên giới Trung-Ấn suốt 19 ngày qua, kể từ sau vụ việc biên phòng Ấn Độ giáp mặt với binh lính TQ ở vùng Dokalam. Vùng Dokalam là khu vực có phân định biên giới chưa được thống nhất giữa ba bên Ấn Độ, Bhutan và TQ. Bắc Kinh khẳng định quân Ấn Độ xâm phạm chủ quyền nhưng New Delhi và Bhutan đều khẳng định khu vực xảy ra vụ việc nằm trên lãnh thổ Bhutan.
Một nhóm quân TQ tuần tra tại khu vực biên giới ở Ngari thuộc vùng tự trị Tây Tạng vào tháng 4-2017. Ảnh: REUTERS
Đây là lần đầu tiên giữa Ấn Độ và TQ xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên khu vực liên quan đến một nước thứ ba, theo The Guardian. Điều này cho thấy xung đột biên giới giữa hai gã khổng lồ châu Á đã leo thang lên một bước mới, không còn dừng ở các tranh chấp song phương. Đại sứ TQ tại Ấn Độ ngày 5-7 cảnh báo tranh chấp biên giới Trung-Ấn tại khu vực Himalaya là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong hơn 30 năm qua, theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin từ quân đội cho hay hiện tại mỗi bên đã điều động khoảng 3.000 binh sĩ đối đầu trực diện nhau ở khu vực biên giới Sikkim - Bhutan - Tây Tạng. Cũng trong tháng trước, Tổng Tư lệnh quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nói rằng nước này “đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh”, ám chỉ rằng New Delhi có khả năng giải quyết cả những thách thức nội bộ lẫn bên ngoài liên quan đến chủ quyền của mình. Ở chiều ngược lại, tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 5-7 cũng dẫn lời nhiều chuyên gia TQ đòi Bắc Kinh dùng đến “con đường quân sự” để chấm dứt tranh chấp nếu “Ấn Độ từ chối lắng nghe”.