Ngày 15-12, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc (TQ) tại Pháp cho biết Đại sứ Lô Sa Dã nói cả Bắc Kinh và Moscow đều nhận thức được “điểm mấu chốt” trong mối quan hệ song phương. Đó là lý do tại sao TQ không cung cấp vũ khí cho Nga hoặc được yêu cầu cung cấp chúng.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn riêng với hiệp hội phóng viên ngoại giao ở Pháp ngày 7-12, ông Lô nói TQ và Nga duy trì “quan hệ bình thường”, và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện "không có giới hạn". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều đó không bao gồm cung cấp vũ khí.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã. Ảnh: TWITTER |
“Cả TQ và Nga đều là những quốc gia có chủ quyền và có quyền hợp tác trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, kiểu hợp tác này không phải là không có điểm mấu chốt. Đó là lý do tại sao TQ vẫn chưa cung cấp vũ khí cho Nga. Nga đã không yêu cầu chúng, bởi vì họ cũng hiểu về điểm mấu chốt này” - ông Lu nói.
Ông Lô mô tả cách tiếp cận cứng rắn bằng quân sự của Nga đối với Ukraine là "điều gây tranh cãi" và cho rằng cuộc xung đột có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Ông cáo buộc Washington làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng tôi thấy rằng một mặt Mỹ có vẻ ủng hộ Nga và Ukraine tiến hành đàm phán, nhưng mặt khác lại không ngừng cung cấp vũ khí. Điều này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa” - ông nói.
Mỹ đã gửi 68 tỉ USD viện trợ cho Ukraine. Một nửa trong số đó là vũ khí và vật tư quân sự. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã đề xuất Quốc hội phê duyệt thêm 37,7 tỉ USD cho Ukraine, phần lớn là vũ khí.
“Cứ tưởng tượng, nếu hai bên đạt được thỏa thuận hòa đàm vào cuối tháng 3, thì hai đường ống Nord Stream đã không phát nổ, và châu Âu sẽ lấy lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, từ đó thoát khỏi khủng hoảng năng lượng" - ông Lô nói.
“Tôi nhớ vào cuối tháng 3, khi các cuộc đàm phán Nga-Ukraine sắp kết thúc, một điều gì đó đã xảy ra, ngay lập tức cuộc đàm phán bị gián đoạn. Mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra, vì vậy tôi không cần phải đi vào chi tiết” - ông nói thêm.
Dù không nói rõ là vụ việc gì, song ông Lô ám chỉ rằng một số bên sẽ được hưởng lợi từ việc phá hoại các nghị quyết.
Cuối tháng 3, có thông tin cho rằng nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich và một số thành viên trong phái đoàn đàm phán Ukraine đã bị đầu độc. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ việc.