Trung Quốc thúc đẩy luật chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ

Theo hãng tin Reuters và tờ Bloomberg, Trung Quốc ngày 8-3 cam kết sẽ thúc đẩy xây dựng luật chống lại các lệnh trừng phạt từ nước ngoài và “quyền tài phán dài hạn”, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan nước ngoài giúp đối phó những thách thức và rủi ro từ các “thế lực nước ngoài”.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây trong các vấn đề Tân Cương, Hong Kong, cũng như Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế những lợi thế của Washington trong các tranh chấp sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư. Ảnh: BLOOMBERG

Phát biểu về công việc hàng năm tại kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư cho biết trong năm tới Trung Quốc sẽ tăng cường luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài, tập trung vào chống trừng phạt, chống can thiệp và chống lại quyền tài phán dài hạn, làm phong phú thêm “hộp công cụ” pháp lý để đối phó các thách thức liên quan đến nước ngoài và ngăn ngừa rủi ro.

Ông Lật không trình bày thông tin chi tiết về luật dự kiến.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11-2020 đã hối thúc các lãnh đạo cấp cao "thúc đẩy pháp quyền" trong các vấn đề liên quan các đảng phái nước ngoài. Ông cũng kêu gọi sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc.

Theo Reuters, Mỹ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt nhằm bày tỏ quan ngại về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như trong vấn đề Hong Kong.

Trung Quốc, nước thường xuyên đưa ra lập trường ủng hộ chính sách không can thiệp, cho rằng đây là những vấn đề nội bộ mà Washington nên tránh xa.

Trung Quốc đã lên án việc Canada hồi năm 2018 đã bắt giữ Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, như một ví dụ về "quyền tài phán dài hạn", và đã đấu tranh kêu gọi phía Canada thả bà Mạnh.

Vào thời điểm ông Trump chuẩn bị rời nhiệm sở, Mỹ đã trừng phạt ít nhất 45 quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong các chính sách liên quan Hong Kong và Tân Cương, trong đó có 15 quan chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu mong muốn san bằng sân chơi, một nỗ lực có thể buộc các công ty đa quốc gia buộc phải chọn bên. Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 1 đã công bố những quy định mới nhằm chống lại những hạn chế và luật lệ "phi lý" mà các nước khác áp lên công ty và công dân Trung Quốc.

Theo Bloomberg, phát ngôn của ông Lật hôm 8-3 báo hiệu một giọng điệu ngoại giao đối đầu hơn khi cam kết sẽ “kịp thời nói lên quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề lớn và các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh”.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 7-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và kêu gọi Mỹ chấm dứt các hình phạt đối với các công ty Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 8-3 cho biết Mỹ buộc phải sửa chữa mối quan hệ sau những hành động "phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ song phương" dưới thời ông Trump.

“Mỹ có trách nhiệm lớn hơn trong việc chủ động hành động” – ông Triệu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới